Nhiều bất cập
Xã Mê Linh, huyện Mê Linh có hơn 250ha trồng hoa. Hiện nay, người dân đang phát triển các mô hình trồng hoa cao cấp, đầu tư từ 200 - 300 triệu đồng/ha nên nhu cầu vay vốn để sản xuất khá cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ QTDND còn rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Kim Trường, Giám đốc QTDND xã Mê Linh, do gặp vướng mắc về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp nên nhiều hộ dân không thể vay được vốn do không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, quy định giao dịch đảm bảo phải có chữ ký của tất cả thành viên trong gia đình cũng rất khó áp dụng, bởi nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa.
Người trồng hoa ở Mê Linh vẫn gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ Tín dụng nhân dân. Ảnh : Quang Thiện
Bởi vậy, dù QTDND xã Mê Linh có nguồn vốn tới 70 - 80 tỷ đồng nhưng người nông dân vẫn chưa thể tiếp cận tới nguồn vốn vay.Không riêng gì xã Mê Linh, nhiều QTDND trên địa bàn Hà Nội cũng đang gặp tình cảnh tương tự.
Ông Nguyễn Tiến Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị QTDND phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết, hiện có tới 80 - 90% thành viên của hầu hết các QTDND chỉ góp vốn xác lập tư cách thành viên với trị giá nhỏ (30.000 - 50.0000 đồng). Do đó, vai trò làm chủ tập thể của những thành viên này rất ít.
Thậm chí, có QTDND chỉ có cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc tại Quỹ và những người thân trong gia đình góp vốn thường niên dẫn đến hoạt động tuỳ tiện, dễ dẫn đến sai phạm...
Sớm đơn giản hóa thủ tục vay vốn
QTDND là một trong những kênh vay vốn tín dụng của nhiều nông dân. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện loại hình tổ chức này. Theo ông Nguyễn Tiến Huấn, phải thay đổi và quy định lại các tiêu chuẩn của thành viên QTDND theo hướng thực chất, gắn quyền lợi với trách nhiệm.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện cho người dân. Hơn nữa, giá trị các món vay của QTDND nhỏ, kỳ hạn ngắn và đối tượng vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình nên các tiêu chí về cho vay, sử dụng vốn cần thấp hơn các ngân hàng thương mại.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chia sẻ, thời gian tới phải tạo điều kiện cho hoạt động của các QTDND, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 10 - 20%.
Trong đó, tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ theo năng lực của từng QTDND, từng bước nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực quản trị, điều hành. Ngoài ra, tăng cường tính liên kết hệ thống nhằm kịp thời hỗ trợ khó khăn cho các QTDND cơ sở gặp khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định cụ thể về hoạt động của QTDND trong điều kiện mới và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu hệ thống. Đặc biệt là điều kiện thành lập và quy chế hoạt động của các QTDND, vấn đề sở hữu và quản trị; các tiêu chuẩn quản lý rủi ro và quản trị hoạt động; quy định tiêu chuẩn cán bộ; vấn đề về giải thể, sáp nhập các QTDND…
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 98 QTDND cơ sở với 114.194 thành viên tham gia. Theo đánh giá, hệ thống QTDND đang bộc lộ một số yếu kém về cả nhân lực và tài chính. Trong đó, cơ cấu vốn đầu tư chủ yếu vẫn tập trung vào cho vay vốn ngắn hạn (chiếm tỷ trọng khoảng 92,2 % tổng dư nợ). Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát sau khi cho vay còn hạn chế. Đặc biệt, một số QTDND còn đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao, bố trí nguồn vốn không khoa học nên khi có biến động về tài chính, tiền tệ thì khả năng chi trả gặp rất nhiều khó khăn. |