Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt chi ngân sách khủng, không để sự đã rồi!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội  lo lắng trước thực trạng thất thu thuế, nhiều khoản chi không có dự toán nhưng vẫn cho quyết toán…

Hàng loạt sai phạm trong thu - chi ngân sách

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội, quyết toán thu NSNN năm là 877.697 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán, song Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra chủ yếu do tăng thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh và dầu thô. Vẫn còn một số sai phạm trong thu NS như tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế GTGT và thuế thu nhập DN phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Còn không ít đơn vị hạch toán thiếu số thu; hạch toán các khoản chi phí không đúng chế độ, định mức; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp NSNN... Kết quả kiểm toán xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 8.287,3 tỷ đồng.
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội kiểm tra các thông tin số liệu trên máy. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội kiểm tra các thông tin số liệu trên máy. Ảnh: Thanh Hải
Cũng theo KTNN, nợ do ngành thuế quản lý có xu hướng tăng qua các năm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng so với thu nội địa (trừ dầu thô) và diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương được kiểm toán. Tính đến 31/12/2014, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý là 76.073 tỷ đồng, tăng 9,7% (6.731 tỷ đồng) so với năm 2013. Trong khi đó, quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn hạn chế, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách còn nhiều. Tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các DN được thanh tra, kiểm toán. Tình trạng chuyển giá trốn thuế của các DN có vốn đầu tư nước ngoài và ở khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Tình trạng tiếp tay cho các vi phạm về thuế vẫn tồn tại và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều vụ việc trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, vi phạm trong xử lý hoàn thuế VAT phải chuyển cơ quan Công an điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong khi thu NS lỏng lẻo, tình trạng vượt chi NS lại ở mức khá cao. Quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.339.489 tỷ đồng. Dự toán chi cho đầu tư phát triển là 163.000 tỷ đồng, quyết toán 248.452 tỷ đồng, vượt 52,4%  dự toán. Trong đó nổi lên là chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. “Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng. Ứng trước kế hoạch vốn lớn nhưng chậm thu hồi. Nợ đọng trong đầu tư XDCB còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức từ T.Ư đến không ít địa phương. KTNN còn liệt kê hàng loạt sai phạm, yếu kém khác ở cả 7 nội dung còn lại của công tác chi NSNN nói chung như: Chi thường xuyên, chi chuyển nguồn, cho vay và tạm ứng, mua sắm tài sản... làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

 3 năm sự đã rồi! Không ai chịu trách nhiệm

 "Quyết toán NS hàng năm, chi luôn vượt dự toán, việc bố trí ứng vốn như vậy, ai chịu trách nhiệm?" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi. Báo cáo nhiều sai sót trong điều hành không phải là con số nhỏ mà sai sót rất lớn, thậm chí sai cả về mặt pháp luật. Không nhìn thẳng vào sự thật thì hạn chế trong điều hành NS còn hạn chế và xấu hơn trong thời gian tới” -  ĐB Tâm nhận xét.

 ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề nghị Chính phủ, Quốc hội nhìn nhận lại tính kỷ luật và kỷ cương trong thực thi ngân sách. “Không để chuyện đã rồi, hợp thức hóa chi tiêu là xong. Đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ mới nhận chức: Phải tiết kiệm, sử dụng đúng, hiệu quả từng đồng thuế của dân. Đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra những đơn vị đã được nêu trong báo cáo kiểm toán, vi phạm trong quản lý sử dụng NSNN. Báo cáo kiểm toán mặc dù nêu ra nhiều lần tình trạng vi phạm sử dụng NSNN nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại. Cần phải kiểm tra làm xử lý phối hợp với cơ quan công an điều tra bởi quy định của pháp luật nếu tái phạm phải xử lý phải có cơ quan điều tra kinh tế xem xét” - ĐB Trần Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu.

Liên quan đến vốn ODA, với việc giải ngân vượt dự toán tăng 26 nghìn tỷ đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng ý thông qua lần này nhưng đề nghị Chính phủ lưu ý thận trọng. Nếu tình hình trên vẫn tiếp tục thì sẽ không thông qua.

Nợ công phải được tính đúng, tính đủ

 Tổng thu NSNN không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ kéo theo nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. ĐB Nguyễn Công Tuấn (đoàn Hà Nội) lo ngại, tốc độ nợ công theo báo cáo của Chính phủ tăng 17,1% so với năm 2013, chất lượng và hiệu quả công tác nợ công còn nhiều hạn chế, còn phân tán, thiếu sự đối chiếu, không rõ ràng trong cách tính gây khó khăn trong nhận định khách quan. ĐB Nguyễn Công Tuấn cho hay có một số cử tri quan ngại con số nợ công 58,02%/GDP của năm 2014 có vẻ không sát thực tế và nếu đối chiếu cụ thể có thể cao hơn hoặc thậm chí không nằm trong giới hạn an toàn. "Hãy nhìn thẳng vào vấn đề vì nợ công liên quan đến sức khỏe nền kinh tế”. Vị đại biểu này kiến nghị, cần phát huy nguồn tiền đang tồn đọng trong dân để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá, lãi suất do Việt Nam đã ở nước có thu nhập trung bình nên vốn vay nước ngoài chi phí lãi suất đã tăng lên.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã đề nghị Quốc hội cần quan tâm nhìn nhận khách quan hơn trong báo cáo của Chính phủ nêu nhiệm vụ chi NSNN đã thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội và Luật NS; Rà soát các yếu tố để thấy được bất cập, sớm xem xét luật NS so với thực tiễn. “Những vấn đề chủ quan phải xử lý nghiêm minh người đứng đầu” - ĐB nói.

Để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, một tinh thần thẳng thắn được các ĐB Quốc hội đặt ra đó là nhìn vào thực tế khó khăn, từ đó kiến nghị tìm giải pháp ổn định, đột phá đưa Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững. ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị giải pháp tổng thể là: Quyết liệt hơn nữa trong chống thất thu, gian lận trốn thuế; Cải thiện môi trường kinh doanh; Tăng năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tăng thu cho NS; Quản lý chi NS chặt chẽ, tiết kiệm chi; Thúc đẩy cơ chế tự chủ, góp phần giảm thu thường xuyên; Tái cơ cấu DNNN sử dụng nguồn cổ tức DNNN một cách hiệu quả nhất... Theo ĐB Ngân, hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đang nằm trong DNNN và nếu lấy cổ tức từ các DN  này thì mỗi năm cũng có khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng bổ sung vào NSNN.
ĐB Trần Du Lịch - đoàn TP Hồ Chí Minh:

Kỷ luật chưa nghiêm

Thực hiện thu chi NS không minh bạch, Luật đã quy định biên độ của năm tài chính thế nào thì phải thanh, quyết toán như vậy. Nợ đọng nhiều mà không quyết toán được, do đó tài chính của chúng ta không minh bạch. Tôi đề nghị cần phải nghiêm túc, yêu cầu quyết toán NSNN phải tuân thủ đúng Hiến pháp, đúng luật.
ĐB Vũ Tiến Lộc - đoàn Thái Bình:

Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

 Nhà nước cần thực hiện là tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn nữa cho DN phát triển. Nhiều DN phản ánh với tôi họ thấy nản cả trong việc đóng góp cho NS, bởi số tiền này đang được chi tiêu quá lãng phí. Vì vậy, để tạo động lực cho DN, Nhà nước rất cần thay đổi cách tiếp cận với DN.