Washington “âm thầm hối thúc” Kiev nhất trí với thỏa thuận Mỹ - Đức về Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỏa thuận giữa Mỹ và Đức về việc hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến được công bố ngày 21/7 (giờ Mỹ), động thái này sẽ chấm dứt bất đồng giữa hai nước.

Tờ Politico hôm 20/7 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "âm thầm thúc giục" Ukraine không chỉ trích thỏa thuận giữa Mỹ và Đức liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
 Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện đã hoàn thành khoảng 98%. Ảnh: AFP
Theo nguồn tin này, việc Kiev phản đối thỏa thuận này có thể gây tổn hại đến quan hệ giữa Ukraine và Mỹ.
Trước đó cùng ngày, tờ Wall Street Journal cho biết, Berlin và Washington đã đạt được thỏa thuận để hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và dự kiến sẽ công bố thỏa thuận này trong ngày thứ Tư.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, thỏa thuận sắp được Mỹ và Đức thông báo bao gồm quy định cho phép áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nếu Moscow nỗ lực sử dụng năng lượng như một "vũ khí" chống lại Ukraine.
Liên quan đến tuyến đường ống khí đốt của Nga, bà Oleksiy Arestovich - cố vấn tự do của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 16/7 nói rằng, trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không đứng về phía lợi ích của Kiev.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm hôm 12/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận ông và Thủ tướng Merkel có quan điểm khác nhau về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Trước đó, ông Zelensky gọi dự án này là “vũ khí chống lại Ukraine” và nó sẽ trở thành "vũ khí chống lại toàn bộ châu Âu trong tương lai".
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, hiện đã hoàn thành 98%, giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu qua biển Baltic.
Nga khẳng định rằng dự án này hoàn toàn là một nỗ lực kinh tế và đã nhiều lần khẳng định rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine theo các hợp đồng hiện tại.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine, đã tích cực phản đối việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Washington đã áp đặt hai đợt trừng phạt đối với Nga khi cáo buộc rằng, một khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, châu Âu sẽ trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn.
Đức đã liên tục bác bỏ khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt mới ngoài lãnh thổ đối với dự án. Còn Nga xem các lệnh trừng phạt của Mỹ là một ví dụ về cạnh tranh không lành mạnh nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu. Moscow đã nhiều lần cảnh báo chống lại việc chính trị hóa những gì họ mô tả là một dự án kinh tế thuần túy./..