Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB cắt giảm 250 nhân viên trong kế hoạch tái cơ cấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim thông báo sẽ giảm 250 nhân viên. Đây là đợt giảm nhân viên đầu tiên trong kế hoạch tái tổ chức lại WB của người đứng đầu thể chế tài chính này.

Trong thông báo nội bộ, WB dự định sẽ giảm khoảng 500 nhân viên, trong đó có các bộ phận phụ trách tài chính, công nghệ và giám sát.

Ngoài ra, 70 nhân viên thời vụ cũng sẽ được tinh giảm trong thời gian tới. Đợt cắt giảm này được thực hiện nhằm cân đối với đợt bổ sung 250 nhân viên tại trụ sở của WB ở Chennai (Chên-nai), Ấn Độ.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: en.trend.az)
Ảnh minh họa. (Nguồn: en.trend.az)
Theo Chủ tịch Jim Yong Kim, việc cắt giảm nhân viên là cần thiết để tổ chức lại bộ máy của WB một cách phù hợp. Trước đó, hồi đầu tháng, nhà lãnh đạo này đã vấp phải sự phản đối của nhân viên khi định trao thưởng cho một quản lý tài chính cấp cao của WB vì đã tiến hành cắt giảm mạnh chi phí. Tuy nhiên, sau đó, nhân vật này đã từ chối nhận thưởng.

Chủ tịch WB hiện đang nỗ lực cải cách phương thức làm việc của thể chế này theo hướng đẩy mạnh tập trung cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và nâng cao khả năng hợp tác với các chính phủ để tiến hành các dự án tái cơ cấu quy mô lớn.

WB có khoảng 9.000 nhân viên, trong đó hầu hết làm việc tại trụ sở ở Washington (Mỹ).

Hai năm trước, Chủ tịch Jim Yong Kim đã trở thành người kế nhiệm ông Robert Zoellick với cam kết tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách thế chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này.

Trong nhiệm kỳ 2007-2012 của ông Zoellick, WB đã có những cải tổ mạnh mẽ về cơ cấu cũng như chế độ làm việc nên đã nhận được nhiều nguồn đóng góp lớn, giúp thể chế này thực thi các kế hoạch và dự án nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, WB đã điều chỉnh để thích nghi với các biến đổi của nền kinh tế toàn cầu, theo đó tập trung hỗ trợ hiệu quả các nước đang phát triển vượt qua khủng hoảng, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của các nước đang phát triển như là động lực và là chủ nhân có trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

WB đã trở thành thể chế tài chính toàn cầu mạnh, cởi mở hơn, phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trước các thách thức mới nhờ những cải tổ then chốt.

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, tổ chức này đã tăng được tổng vốn với hơn 50% đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt nguồn vốn dành cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA)- quỹ của WB dành cho các nước nghèo nhất, đã tăng kỷ lục 90 tỷ USD trong bối cảnh các nước tài trợ chính cho quỹ phải thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ.