Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB: Lạm phát 2011 của Việt Nam sẽ là 9,5%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 6,3% trong năm nay, giảm 0,5% so với hồi 2010 nhưng lạm phát sẽ chỉ ở mức 9,5%, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).

KTĐT - Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 6,3% trong năm nay, giảm 0,5% so với hồi 2010 nhưng lạm phát sẽ chỉ ở mức 9,5%, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, trong năm 2011 tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tính theo đôla Mỹ sẽ đạt 115 tỷ USD, so với 105 tỷ USD năm ngoái.

Tuy tốc độ mở rộng GDP chậm lại, tình hình giá cả tiêu dùng có dấu hiệu khả quan hơn. Sau khi lạm phát lên 11,8% trong năm 2010, có lúc 12,2% dịp Tết Âm lịch, dự kiến chỉ số này sẽ xuống còn một chữ số trong năm nay, cụ thể là 9,5% theo dự báo của WB. Với những nỗ lực kiềm chế giá cả của Chính phủ, báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới cho rằng lạm phát sẽ còn xuống 6,5% vào năm 2012.

Theo WB, sự giảm tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn có một phần nguyên nhân từ việc Chính phủ tung ra nhiều biện pháp mạnh vào đầu tháng hai để khôi phục lại ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong số hàng loạt biện pháp này có những nội dung chính như điều chỉnh tỷ giá hối đoái, siết chặt quản lý giao dịch vàng, thay đổi chính sách tiền tệ và tài chính. Chính phủ cũng rà soát và giới hạn hoạt động của ngành ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngân hàng Thế giới nhận xét những chính sách ổn định kinh tế trên là một bước quan trọng đúng hướng để phá vỡ chu kỳ phát triển nóng rồi lại tăng trưởng chậm những năm gần đây. Dù chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, chúng có thể giúp Việt Nam đạt được tiềm năng tăng trưởng trước khủng hoảng của mình trong trung hạn nếu thực hiện thành công các biện pháp trên.

Cũng trong báo cáo cập nhật công bố vào hôm qua, Ngân hàng Thế giới cho rằng khu vực Đông Á có thể tăng trưởng với tốc độ 8% trong hai năm 2011 và 2012, giảm nhẹ so với mức 9,6% của năm 2010.

Lạm phát tiếp tục trở thành thách thức chính trong ngắn hạn đối với các nước trong khu vực, gây khó khăn cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Giá cả hàng hóa tăng mạnh báo trước biến động kinh tế trong tương lai gần.

Trung Quốc được dự báo tiếp tục là nguồn cầu chính trong khu vực. Trong khi đó, GDP của Nhật Bản, với ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần, có thể đi chậm lại trong ngắn hạn nhưng chỉ mang tính tạm thời.