Ngày 8/1, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa nhận được vaccine Covid-19.
Theo Tổng giám đốc WHO, 42 quốc gia đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19, trong số đó 36 nước là quốc gia có thu nhập cao, 6 nước có thu nhập trung bình. "Có một vấn đề rõ ràng là hầu hết quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chưa nhận được vaccine. Ngay từ đầu, các nước giàu đã mua phần lớn nguồn cung của nhiều loại vaccine", ông Ghebreyesus cho hay.
Ông Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu dừng "chen ngang hàng" khi đặt mua vaccine và dừng thiết lập các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất cho đợt tiêm chủng đầu tiên. "Không có quốc gia nào là ngoại lệ cả. Không một quốc gia nào được quyền chen lên trước để tiêm phòng cho người dân của mình trong khi các nước khác vẫn chưa có vaccine" - lãnh đạo WHO nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi các quốc gia đã đặt thừa vaccine ngay lập tức tài trợ lại cho chương trình COVAX - chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu do WHO khởi xướng nhằm mục đích phân phối vaccine cho các nước nghèo.
Cuộc tranh giành vaccine ngừa Covid-19 đang tăng tốc giữa lúc các chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn đợt lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước đó, các biến thể mới này được phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi.
Ông Mike Ryan - Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO nêu lại quan điểm của Tổng giám đốc Tedros, nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải cung cấp vaccine cho các nhóm dễ bị tổn thương và nhân viên y tế tuyến đầu, bất kể họ sống ở đâu.
Đầu tuần này, WHO cho biết COVAX đã huy động được 6 tỷ USD để giúp tài trợ việc cung cấp vaccine cho 92 nước đang phát triển với nguồn ngân sách hạn chế hoặc không có khả năng tự mua vaccine.
Cho đến nay, các quốc gia giàu có bao gồm Anh, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thụy Sĩ và Israel là những nước đứng đầu nhóm chờ đợi nhận vaccine của công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh).
EU cho biết họ đã đạt được thỏa thuận đặt mua 300 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech, chiếm gần 50% số lượng vaccine do đơn vị này tung ra thị trường toàn cầu trong năm 2021.