Nhà đầu tư ngoại quay lưng vì chính sách Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ GTVT đã huy động được 444.040 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, huy động vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, trong 5 năm qua, dù Bộ GTVT đã kêu gọi được số lượng lớn các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông nhưng tất cả đều là nhà đầu tư trong nước.
Sở dĩ có tình trạng trên, theo lý giải của nhiều đại biểu, sở dĩ có chuyện này là bởi, ở Việt Nam, công tác GPMB làm quá chậm. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục của các chính sách, quy định… khiến các DN ngoại chóng mặt. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư ngoại không được phép vay vốn ngân hàng trong nước cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Để khắc phục tình trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn phương án xây dựng, thiết kế và nhà thầu. Ngoài ra, Nhà nước nên tiến hành GPMB cho nhà đầu tư và coi đây là vốn góp của Nhà nước tại các dự án. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt bất cập của hình thức BOT như trạm thu phí quá dày, phí quá cao, thiếu chính sách mời gọi các nhà đầu tư ngoại...
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trước đây, Bộ GTVT thường nói, đi đường mới phí cao nhưng bù lại giảm được phí xăng dầu, hao mòn máy móc. Thế nhưng, đến thời điểm này, tiền phí đã quá tiền xăng dầu, hao mòn máy móc nhiều lần. Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, các dự án đã làm đúng theo quy trình. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận hiện vẫn còn có một số ý kiến khác nhau liên quan đến mức phí, vị trí trạm và khoảng cách giữa các trạm thu phí... Theo Bộ GTVT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong quá trình lấy ý kiến về vị trí đặt trạm, các lực lượng chức năng chưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân trong khu vực, và một số vị trí trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp. Lập quy hoạch các dự án BOT Theo ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành giao thông cần 1.039 nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án giao thông. Trong khi đó, theo dự kiến, nguồn vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu. Do đó, trong thời gian tới, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa sẽ tiếp tục được ưu tiên lựa chọn. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ nghiên cứu, triển khai đầu tư tuyến mới và tổ chức thu phí trên tuyến mới để người dân được lựa chọn giữa hai tuyến đường. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ không đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới để thu phí trên tuyến cũ hoặc thu phí trên cả hai tuyến, trừ những dự án được Chính phủ đồng ý. Đối với các tuyến QL hiện hữu, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội và người dân thường xuyên qua lại trạm thu phí để đảm bảo sự đồng thuận của người dân... và chỉ nghiên cứu triển khai đầu tư những dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các dự án BT và BOT như, tổng mức đầu tư còn cao, chưa huy động được nhà đầu tư ngoại, năng lực của một số nhà thầu còn kém… Để khắc phục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát chiến lược phát triển hạ tầng giao thông gắn với tái cấu trúc ngành, tạo sự hài hòa giữa các loại hình vận tải. Đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện theo hình thức BOT. Lập quy hoạch các trạm thu phí, hạn chế những tồn tại trong thời gian qua. Cùng với đó, yêu cầu Bộ KH&ĐT đề xuất cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực tham gia phát triển các dự án BOT. Tăng cường giám sát các dự án BOT, để kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.
Trạm thu phí quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Ảnh: Công Hùng |
Trong tháng 6/2016, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ có báo cáo gửi Chính phủ về việc giảm mức phí tại các trạm BOT. Tuy nhiên, để làm được điều này các đơn vị có liên quan cần phải rà soát lại tổng mức đầu tư, chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư... của từng dự án để có căn cứ giảm phí theo quy định. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai |
Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có 88 trạm thu phí, trong đó 74 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ (QL) và 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc do Bộ GTVT quản lý; 14 trạm thu phí trên các tuyến QL và 1 hệ thống thu phí trên đường cao tốc do địa phương quản lý. Thế nhưng trong 88 trạm thu phí, có đến 20 trạm có khoảng cách chưa tới 60km. |