Ông đánh giá thế nào về hiện trạng các khu CNTT tập trung của Hà Nội hiện nay và Hà Nội cần phải làm gì để tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển ngành công nghiệp này?
- Phát triển khu CNTT tập trung ở Hà Nội có khác biệt so với các địa phương khác bởi 2 trong các dự án của TP là do DN làm chủ đầu tư và được chuyển đổi từ khu công nghiệp điện tử Sài Đồng đình đám từ những năm 2000. Có nhiều lý do khiến dự án dù đã được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chậm triển khai, tuy nhiên tựu chung lại là bởi chúng ta chưa có mô hình cơ chế phù hợp nào để khuyến khích DN đầu tư vào các dự án như này. Về phía cơ quan quản lý lấn cấn lo rằng trao ưu đãi cho các chủ đầu tư này rồi thì sau này họ có bán hoặc cho DN khác thuê với các ưu đãi của TP hay không, Nhà nước có thể kiểm soát được không? Để gỡ được nút thắt thì chủ đầu tư và cơ quan quản lý cần ngồi lại để tìm được tiếng nói chung.
Có ý kiến cho rằng TP chưa thực sự quan tâm tới phát triển CNTT, DN trong Khu CNTT tập trung Cầu Giấy chưa nhận được ưu đãi như cam kết. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Hà Nội là Thủ đô nên có những đặc trưng khác với các địa phương. Các DN CNTT có quy mô quốc gia đều đã tập trung ở Hà Nội, họ không chịu nhiều ràng buộc bởi TP mà ở cấp T.Ư, ví dụ VNPT, Viettel, MobiFone… Ngay cả những tập đoàn tư nhân chuyên về CNTT như FPT hay CMC cũng tự lớn được; Elcom, Tinh Vân, Misa cũng có quy mô toàn quốc... Trước đây, Hà Nội có thể chưa tập trung phát triển vì còn trông đợi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, mãi đến gần đây khi có Khu CNTT tập trung Cầu Giấy và sau đó đang hình thành Khu Công viên công nghệ phần mềm, Khu Công viên CNTT Hà Nội và tiếp tục là đề án xây dựng Khu CNTT trọng điểm trên trục đường Võ Nguyên Giáp… Những thành công của Công viên Phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) và Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng là động lực để Hà Nội quan tâm nhiều hơn tới phát triển công nghiệp xanh trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là phần mềm và dịch vụ CNTT. Hiện tại, Hà Nội đang có bộ máy lãnh đạo mới là những người rất quan tâm và quyết liệt đối với sự phát triển và ứng dụng CNTT, tôi tin rằng diện mạo ngành CNTT của TP sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT theo hướng xã hội hóa đang là đề xuất được nhiều người quan tâm. Liệu hướng phát triển này có phù hợp với tình hình hiện tại của Hà Nội?
- Có ý kiến cho rằng, quỹ này sẽ có cả phần đóng góp của Nhà nước và một phần xã hội hóa. Nhưng theo tôi phải xã hội hóa nhiều hơn, minh bạch hóa toàn bộ, kêu gọi DN bỏ tiền vào quỹ đó và phải có cơ chế cho những DN bỏ tiền trực tiếp quản lý quỹ. Chúng ta đã có không ít quỹ hỗ trợ của Nhà nước nhưng vì thủ tục thẩm định phiền hà, giải ngân chậm, không rõ ràng nên không đem lại hiệu quả.
Thế giới công nghệ thay đổi chóng mặt, cách đây 10 năm, chúng ta chỉ nghe nhiều đến thương hiệu phần cứng như IBM, Dell…, nay đã là thời của Google, Facebook, Youtube, Istagram… Khởi đầu của những dự án xã hội số này là ý tưởng từ những người rất trẻ, qua các quỹ đầu tư mạo hiểm phi chính phủ nhanh chóng đã có thành công như ngày hôm nay.
Các quỹ này đầu tư 10 dự án mà có 1 - 2 dự án thành công là đã thắng lợi rồi, nếu được như Facebook thì trên cả mong đợi. Mới đây, startup Misfit tại TP Hồ Chí Minh cũng có giá tới 260 triệu USD. Tuổi trẻ Việt ngày nay rất giỏi kỹ năng và sáng tạo, nếu chúng ta tận dụng, đầu tư đúng hướng, kịp thời thì sẽ phát huy được sức sáng tạo trẻ của họ, đừng để chảy “chất xám” ra nước ngoài. Hiện đang có nhiều bạn trẻ giỏi CNTT đã sang Singapore để hoạt động sáng tạo vì thủ tục bên đó rất đơn giản. Nếu ra nước ngoài, họ chỉ mất ít thời gian và thủ tục đăng ký nhanh gọn hơn, còn ở Việt Nam vừa mất tiền, tốn thời gian để chạy đua với các thủ tục, thì chắc chắn họ sẽ chọn ra nước ngoài. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến rất gần, phải tính toán tạo điều kiện để thực sự Việt Nam và Hà Nội là miền đất thu hút nhân tài.
Xin cảm ơn ông!