Liên kết sản xuất
Mỹ Thành là xã thuần nông của huyện Mỹ Đức. Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp của xã ít, tổng diện tích chỉ đạt 270ha, trong đó có một số ở chân ruộng cao nên cấy lúa không hiệu quả. Từ thực trạng này, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị canh tác. Năm 2015, xã đã liên kết với Công ty Dược Tuệ Linh triển khai mô hình trồng cây dược liệu trên nền những chân ruộng cao với tổng diện tích tham gia mô hình là 10,6ha.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng cà gai leo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Đinh Tiến Thao cho biết: Đây là mô hình thuộc dự án liên kết với Công ty Dược Tuệ Linh để hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung. Để đáp ứng nhu cầu về sản lượng lớn và chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn, Công ty Dược Tuệ Linh đã liên kết với HTX để tích tụ ruộng đất và tổ chức sản xuất. Theo hợp đồng liên kết, HTX sẽ đứng ra thuê đất của người dân với thời hạn 5 năm, giá thuê mỗi năm là 1 tạ thóc/sào. Phía Công ty có trách nhiệm cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Sau hơn một năm triển khai, mô hình cho thấy rõ hiệu quả vượt trội. Cây cà gai leo khá thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ khi trồng, sau 6 tháng là cây bắt đầu cho thu hoạch, người dân cắt toàn bộ phần cành, lá, trừ lại phần gốc để cây tái sinh chồi. Nếu chăm sóc tốt thì cứ sau 4 tháng, cây lại cho thu hoạch 1 lứa, năng suất đạt 2 tạ/sào. Hiện nay, Công ty đang thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi sào sẽ cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm. Là một thành viên tham gia vào mô hình sản xuất cây cà gai leo, anh Đinh Văn Giới cho biết: “Từ ngày tham gia vào mô hình, ngoài tiền cho thuê đất mỗi năm 1 tạ thóc/sào, tôi còn được tạo việc làm thường xuyên”.
Tiềm năng lớn
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lâu dài, hiện nay, Công ty Dược Tuệ Linh đang xây dựng hệ thống nhà sơ chế sản phẩm ở xã Mỹ Thành, bao gồm các hạng mục như khu sơ chế, lò sấy, lồng ươm cây giống. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào sơ chế, sau đó chuyển về khu chế xuất chính của Công ty đặt ở Bắc Ninh. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Thế - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển dược liệu Đông Dương (thuộc Công ty Dược Tuệ Linh): Hiện nay, Công ty đang có nhu cầu rất lớn về cây cà gai leo, với tổng sản lượng ước đạt 400 tấn/năm. Trong thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm này còn tăng gấp đôi. Công ty cũng đang có dự định mở rộng vùng nguyên liệu sang một số xã khác ở huyện Mỹ Đức, phát triển Mỹ Đức thành vùng nguyên liệu chính.
Theo ông Thao, từ hiệu quả của mô hình, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng thêm 30ha để trồng cây cà gai leo. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, ở địa phương vẫn còn một số bất cập: Hệ thống giao thông nội đồng chưa được đầu tư cứng hóa gây khó khăn cho việc vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch. Hệ thống tiêu nước vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, vào mùa mưa, nước không tiêu thoát kịp dẫn tới một số diện tích trồng cà gai leo bị thối dễ. Vì vậy, để tạo điều kiện mở rộng mô hình và thu hút DN tiếp tục đầu tư, địa phương cần đầu tư một số hạng mục hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất.