Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã nói không, huyện bảo có!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi phạm tại Bến phà Thọ An. Ảnh: Hải Hữu

Bến phà Thọ An, xã Thọ An, huyện Đan Phượng nhiều năm qua tuy không được cấp phép, nhưng hàng ngày vẫn chở xe ô tô qua sông Hồng. Biết rõ đó là vi phạm, nhưng các cấp chính quyền huyện Đan Phượng và các đơn vị quản lý vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc.

 
Vi phạm tại Bến phà Thọ An. Ảnh: Hải Hữu
Kinhtedothi - Vi phạm tại Bến phà Thọ An. Ảnh: Hải Hữu
Qua tìm hiểu, năm 1993, ông Trần Đăng Khoa được UBND xã Thọ An cho thuê hơn 1.000m2 đất bãi ven sông Hồng làm bến đò nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân 2 huyện Đan Phượng và Mê Linh. Thời gian đầu, ông Khoa làm đò sắt nhỏ chở được ít khách. Do vậy, khoảng năm 2000, ông Khoa đầu tư nâng cấp đò thành phà để chở được nhiều khách hơn. Nhằm giúp bến phà Thọ An hoạt động an toàn, cuối năm 2012, Sở NN&PTNT đã đầu tư gần 1 tỷ đồng đổ bê tông đường dẫn xuống phà, đồng thời kè một số điểm ven bờ sông Hồng tại đây đang có nguy cơ sạt lở. Hơn nữa, cơ quan chức năng đã cắm biển báo "cấm xe ô tô lên, xuống phà" tại chân đê Vân Cốc và đặt bảng niêm yết giá vé tại khu vực đường dẫn xuống phà. Bất chấp những quy định trên, ông Khoa vẫn thường ngày cho phà chở xe ô tô, thậm chí có chuyến chở 2 xe ô tô, trong đó có cả ô tô tải và thu tiền cao hơn quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 16/7, cứ khoảng 20 phút lại có một chuyến phà qua sông Hồng sang xã Chu Phan, huyện Mê Linh và ngược lại. Và chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, đã có 5 xe ô tô với hàng chục lượt khách không mặc áo phao qua sông phải nộp phí cao và không được chủ đò giao vé.

Bà Trần Thị Duyên, xóm An Thịnh, xã Thọ An cho biết: "Thời gian trước, cơ quan chức năng đã cắm biển báo thu phí, nhưng chủ phà bỏ đi và từ đó đến nay tùy tiện thu phí với mức giá xe máy 10.000 - 15.000 đồng/lượt, xe ô tô từ 50.000 - 70.000 đồng/lượt tùy theo trọng tải và số người qua phà. Bên cạnh đó, chủ phà không giao vé cho chủ các phương tiện. Như vậy, chủ phà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, gây thất thoát nguồn thu thuế cho Nhà nước".

Chủ tịch UBND xã Thọ An Lê Ngô Thắng cho rằng, do vị trí bến phà nằm cách xa trung tâm xã gần 2km và ven sông Hồng nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, theo ông Thắng, đây là lần đầu tiên nghe đến việc chủ bến phà Thọ An tự ý chở xe ô tô và không giao vé cho khách. Chỉ đến khi phóng viên cung cấp những hình ảnh chụp được hoạt động của bến phà, ông Thắng mới tin, đồng thời gọi điện và yêu cầu chủ phà đến ngay trụ sở UBND xã để làm việc. Cũng tại buổi làm việc với phóng viên, ông Thắng khẳng định, cuối tháng 7 sẽ mời ông Khoa đến trụ sở UBND xã để làm rõ một số nội dung nêu trên.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng khẳng định, thông tin người dân phản ánh bến phà Thọ An chở xe ô tô từ nhiều năm qua là đúng và Phòng đã yêu cầu chủ phà không được chở xe ô tô khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng ông Khoa vẫn cố tình vi phạm. Ông  Sáu lý giải: "Do thẩm quyền của Phòng Quản lý đô thị không được lập biên bản và xử phạt hành chính nên thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị để UBND huyện đề nghị Sở GTVT vào cuộc, mặt khác tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện xử lý dứt điểm những vi phạm tại bến phà".

Đề nghị UBND huyện Đan Phượng chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm vụ việc, tránh đơn thư phản ánh kéo dài. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.