Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xả nước đợt 2 phục vụ sản xuất: Các địa phương tập trung lấy nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 11/2, các hồ thủy điện quốc gia đã đồng loạt xả nước đợt 2 phục vụ sản xuất vụ Xuân 2011 cho các tỉnh miền Bắc.

KTĐT - Sáng 11/2, các hồ thủy điện quốc gia đã đồng loạt xả nước đợt 2 phục vụ sản xuất vụ Xuân 2011 cho các tỉnh miền Bắc. Đợt xả này kéo dài từ ngày 11 - 16/2 với tổng lượng nước xả vào khoảng 1,5 tỷ mét khối. Để đảm bảo vụ Xuân đạt thắng lợi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương phải tập trung lấy nước phục vụ sản xuất. Địa phương nào để xảy ra tình trạng thiếu nước làm đất gieo cấy và tưới dưỡng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

 

Sẵn sàng lấy nước

 

Để chuẩn bị đón đợt nước thứ 2 từ các hồ thủy điện, các tỉnh miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng 3.800 máy bơm dã chiến thực hiện việc lấy nước. Vụ Xuân năm nay, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dự kiến gieo cấy 630.757 ha lúa,trong đó vùng trung du là 76.000 ha, còn lại là đồng bằng sông Hồng 555.000 ha. Trong đợt lấy nước đầu tiên (25/1 - 2/2), các địa phương đã lấy nước đổ ải được 483.000 ha, đạt 76,6% kế hoạch.

 

Một ngày sau đợt xả nước thứ hai (12/2), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy tại tỉnh Vĩnh Phúc. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, do xu hướng cấy vụ Xuân muộn nêntrong đợt xả nước lần đầu, Vĩnh Phúc mới bơm tích và cấp nước đạt 49,8%. Vì thế, việc lấy nước đợt hai phục vụ đổ ải là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Vĩnh Phúc đã huy động 21 trạm bơm với 101 tổ máy cùng 48 tổ máy dã chiến đảm bảo khối lượng cung cấp 3,5 triệu mét khối nước/ngày, phục vụ nông dân gieo cấy lúa vụ xuân. Tỉnh này cũng phấn đấu sau đợt xả nước thứ hai sẽ đảm bảo đủ nước gieo cấy và tưới dưỡng.

 

Những ngày này, tranh thủ những ngày nắng ấm, người dân khắp nơi đều tập trung xuống đồng làm đất, cấy lúa, đảm bảo khung thời vụ. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình, kết thúc đợt xả nước đầu tiên, toàn tỉnh đã đổ ải được 65.000 ha lúa Xuân (đạt 80% diện tích). Trong đợt xả lần hai này, tỉnh sẽ tập trung chủ yếu cho diện tích lúa ở các huyện Hưng Hà, Hồng An, Minh Tân bởi đây là những huyện có địa hình cao, nước khó lên. Với số lượng 800 máy bơm dã chiến, cộng với sự quyết tâm cao độ, toàn tỉnh Thái Bình sẽ cố gắng tận dụng tối đa lượng nước xả trong cả hai đợt. Tại tỉnh Hưng Yên, theo ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, trong đợt xả nước đầu tiên, toàn tỉnh đã tập trung đổ ải được 75% diện tích lúa Đông Xuân (tương đương với 30.000 ha). 25% diện tích còn lại thuộc các vùng có địa hình cao, địa phương sẽ cố gắng lấy đủ nước ngay trong ngày đầu của đợt xả nước thứ hai.

 

Phải chịu trách nhiệm nếu không cấp đủ nước

 

Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, nhiều địa phương như Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Bình đã đảm bảo đủ nước gieo cấy cho khoảng 90% diện tích. Để tận dụngnguồn nước phục vụ sản xuất qua hai đợt xả, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các công ty khai thác công trình thuỷ lợi và địa phương thực hiện ngay việc lấy nước. Những địa phương thuận lợi trong việc lấy nước, cần tranh thủ để sớm lấy đủ nước làm đất gieo cấy và tiếp tục trữ nước vào hệ thống phục vụ tưới dưỡng cho các diện tích cấy đợt đầu. Địa phương nào không cấp đủ nước làm đất gieo cấy, tưới dưỡng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

 

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày hôm qua, các địa phương trên địa bàn thành phố đã đổ ải được hơn 80% diện tích, trong đó làm đất đạt khoảng 60%. Các huyện Gia Lâm, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây cơ bản đã lấy đủ nước. Tuy nhiên, tiến độ làm đất so với việc lấy nước ở nhiều địa phương còn chậm và chưa đồng bộ, gây thất thoát nước. Hiện tại, huyện Quốc Oai mới làm đất được 20% diện tích. Các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Long Biên, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh…, diện tích làm đất cũng chỉ đạt trên dưới 30%. Qua kiểm tra tình hình sản xuất tại một số huyện, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung lấy nước đổ ải, phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi để tranh thủ tối đa đợt xả nước cuối cùng của vụ Xuân này. Việc sử dụng nước cũng phải hiệu quả; gắn làm đất với việc giữ nước, tránh để mất nấm, tránh tổn thất về nước. Các địa phương cũng phải tiếp tục chăm sóc, bảo vệ mạ đã gieo, đồng thời tập trung gieo cấy khi nhiệt độ thời tiết cho phép nhằm đảm bảo khung thời vụ.