Gần một tháng sau, về lại thôn Xà Cầu, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng đốt, vứt rác thải bừa bãi không những chưa được xử lý dứt điểm mà có phần trầm trọng hơn…
Rác vẫn ngập đường
Đến Xà Cầu, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng đoàn xe tự chế nuối đuôi nhau tấp nập đưa các loại phế thải "quy tập" về thôn. Trong làng, chỗ nào cũng "găm" đầy phế thải, chỗ đã phân loại, chỗ còn tấp đống. Rác ngoài đường, rác tràn ra vườn, ra mương máng. Nói dại miệng, chỉ cần ai đó bất cẩn vương một tàn lửa ra thì cả thôn Xà Cầu có thể biến thành một "Hỏa Diệm Sơn", vì khắp hang cùng, ngõ hẻm của thôn này, chỗ nào cũng nêm chặt các loại chai nhựa, vỏ ti vi, sườn xe máy… Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, ông Nguyễn Hữu Huê - Trưởng thôn Xà Cầu cho biết: Trước Tết, do người dân tạm dừng việc thu gom và chế biến phế liệu nên lượng rác tập kết về thôn có giảm. Nhưng sau Tết, lượng phế liệu từ nhiều nơi lại được người dân gom về chất thành núi. Mấy ngày Tết, một số người thiếu ý thức lại đổ trộm và đốt rác ở con đường sau làng, tràn cả xuống mương nước, xã lại phải thuê máy múc, đóng bao đưa lên bờ. Sau đó, làng phải cắt cử 2 người thay phiên nhau canh gác…
Theo ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, sau sự việc bãi rác thôn Xà Cầu bị đốt gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thôn Quảng Nguyên, chính quyền địa phương đã cho đóng cửa bãi rác: "Chúng tôi đã cho xây dựng một bể chứa bằng container để người dân có chỗ đổ rác sinh hoạt. Việc vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt của xã vẫn được Công ty CP Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng đảm nhiệm. Tuy nhiên, với rác từ tái chế phế liệu, dù UBND huyện đã mời Công ty Môi trường Thăng Long về thu gom, nhưng DN này từ chối vì không có chức năng xử lý rác thải độc hại. Trước mắt, chúng tôi vẫn kiên trì vận động người dân phân loại chất thải rắn theo hướng dẫn của Phòng TN &MT huyện. Với tất cả cố gắng, chính quyền cấp xã cũng chỉ làm được vậy…" - ông Dịu chia sẻ.
Lời giải nào cho bài toán khó?
Theo bà Hoàng Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, đến nay, UBND huyện đã có báo cáo, kiến nghị UBND TP hỗ trợ giúp huyện xử lý rác thải ở thôn Xà Cầu như: Chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình quản lý Nhà nước đối với chất thải phát sinh từ hoạt động tái chế phế liệu để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và VSMT. Ngoài ra, UBND huyện còn kiến nghị UBND TP bố trí địa điểm, cho phép UBND huyện vận chuyển lượng rác thải tồn đọng đi xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt ở thôn Xà Cầu, câu chuyện về rác thải ở đây gần như vẫn… chưa có gì chuyển biến!
Khi được hỏi, liệu có biện pháp gì để cấm triệt để việc vứt, đốt rác gây ô nhiễm môi trường tại thôn Xà Cầu, ông Dịu cho rằng: "Giờ muốn làm triệt để chỉ còn cách cấm vận chuyển phế liệu về thôn dưới mọi hình thức. Nếu làm được việc này, chắc chắn chỉ một thời gian, vấn đề ô nhiễm rác thải sẽ được xử lý". Vậy tại sao xã không cấm, không bắt, ông Dịu thẳng thắn: Xã cũng đã bắt nhiều lần, nhưng lực lượng có hạn. Và nếu có bắt thì cũng chẳng biết đem đổ rác đi đâu… Môi trường ở Xà Cầu chỉ được giải quyết triệt để khi có khu sản xuất riêng, nhưng điều này là… ngoài tầm của xã.
Năm 2016, chúng tôi đã thu giữ hàng trăm chiếc xe vận chuyển phế thải. Tuy nhiên khi bị bắt, thông thường người dân sẽ… bỏ của chạy lấy người vì xét về giá trị, không có phương tiện nào quá 1 triệu đồng. Việc xử lý cũng rất khó khăn vì sau khi thu giữ phải tiến hành xác minh chủ phương tiện, số khung, số máy… Mà loại xe này hầu hết là vá víu, "râu ông nọ cắm cằm bà kia"! Khi muốn thanh lý lại phải thành lập hội đồng, gồm nhiều ban ngành nên rất mất thời gian… Trung tá Bùi Văn Tiến Đội trưởng Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) |