Xã Thọ An có diện tích đất tự nhiên hơn 550ha, dân số hơn 12.300 nhân khẩu. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, xã Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Không bằng lòng và dừng lại kết quả đạt được, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy Đan Phượng về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021 - 2025”, cán bộ và Nhân dân xã Thọ An đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu xây dựng và đã được TP Hà Nội quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 với nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (chiếm 45,33%), thương mại, dịch vụ (chiếm 46,52%), giảm tỷ trọng nông nghiệp (còn 8,15%). Sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hữu cơ. Thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 150ha từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, bưởi, táo, chuối, cây đào, hoa lan hồ điệp...
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ phát triển, có 300 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng, năm 2023 đạt 76 triệu đồng/người, xã không còn hộ nghèo.
Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ; mở rộng, trải nhựa 1,4km đường giao thông trục xã, liên xã; đầu tư xây dựng mới Trường THCS Thọ An, 100% nhà văn hóa thôn được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, có lắp đặt wifi miễn phí, cải tạo 5 ao môi trường… Tổng huy động vốn xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 370,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, xây dựng mô hình thôn thông minh, xã đã thành lập 12 Tổ công nghệ số cộng đồng và các nhóm Zalo của xã, các thôn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp người dân trên địa bàn thôn sử dụng công nghệ số, là cầu nối để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện tốt mô hình bác sĩ gia đình và quản lý chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%. Xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực y tế.
Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc chia sẻ, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là kết quả lãnh đạo tập trung quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức trong hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên. Đồng thời khơi dậy được sức mạnh to lớn trong Nhân dân tạo thành sức mạnh ý chí, tinh thần chung sức đồng lòng giữa ý Đảng, lòng dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, các nhà trường và Nhân dân xã Thọ An đã đạt được trong những năm qua.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy Đan Phượng trong thời gian tới, ông Lê Văn Thìn đề nghị xã Thọ An tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các lĩnh vực nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt. Đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện đồng bộ với thực hiện tiêu chí đô thị, thực hiện đề án xã thành phường, đô thị hóa nông thôn, xanh văn minh, văn hiến với mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, ổn định.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, phát triển vùng đất bãi sông, giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nông nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn đề nghị xã Thọ An tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, xử lý nghiêm vi phạm đất đai, các công trình thủy lợi và vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cân đối thu - chi ngân sách; tiếp tục quy hoạch đất đấu giá, xử lý đất xen kẹt, tạo nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa. Chỉ đạo phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tiếp tục duy trì cuộc thi xóm ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn hàng tháng...