Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung vừa ký ban hành Thông tư số 149/2014/TT-BTC quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa.
Theo đó, nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính được quy định: Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo từng lần. Số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định gồm tiền, giấy tờ có giá,tài sản và vật có giá. Việc xử lý số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là tiền, giấy tờ có giá, tài sản và vật có giá tại Thông tư này để sung vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định này. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2014.