Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng A95 hết “đứt đoạn” cung ứng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo chí thông tin về tình hình xăng A95 bị “đứt đoạn” cung ứng trên thị trường Hà Nội, ngày 27/3, đoàn kiểm tra thị trường trong nước của Bộ Công Thương đã đi thanh, kiểm tra tình hình cung ứng xăng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đã đến kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội và ghi nhận xăng A95 vẫn được bán cho người tiêu dùng.
Cửa hàng xăng dầu số 259 Giải Phóng thuộc hệ thống của Tổng Công ty Xăng dầu quân đội (Mipec) đã cung cấp xăng A95 trở lại từ 21h đêm 26/3. Ảnh: Khắc Kiên
Nguồn hàng liệu đã ổn định?
Chiều 27/3, theo chân đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, đến cửa hàng xăng dầu số 259 Giải Phóng thuộc hệ thống của Tổng Công ty Xăng dầu quân đội (Mipec), phóng viên ghi nhận tình hình cung ứng xăng A95 và xăng E5RON92 tại đây vẫn diễn ra bình thường, dù trước đó ít ngày, tại đây đã từng treo biển dừng bán xăng A95.
Chia sẻ với báo chí, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 259 Giải Phóng Phan Thị Hoàn thông tin, vừa qua, có thời điểm trạm xăng đã phải treo biển hết xăng A95 cụ thể ngày 25/3, khi bồn chứa hết xăng, trạm đã báo lên Mipec để cung cấp thêm, nhưng phải đến 21h tối 26/3, trạm mới được bổ sung 10m3 xăng A95.
Tại cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân (Công ty CP Xăng dầu HFC), tình hình cung ứng xăng tại cửa hàng diễn ra bình thường, không dừng bán xăng A95.
Kế toán cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân Đặng Thu Phương cho biết, những ngày vừa qua, tại cửa hàng xăng dầu của HFC, không thiếu nguồn xăng A95 bán ra thị trường. Và trong những ngày tới, với nguồn hàng từ phía công ty cung ứng, việc bán xăng A95 và E5RON92 tiếp tục diễn ra bình thường.
Đại diện cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân (Công ty CP Xăng dầu HFC) khẳng định không hàng xăng A95. Ảnh: Khắc Kiên
Khẳng định với phóng viên sau đợt kiểm tra, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cho hay, thực hiện việc quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương luôn tuân thủ theo quy định của Nghị định 83/NĐ-CP. Sau khi có báo chí phản ánh về tình hình cung ứng xăng A95 bị “đứt đoạn” tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra, việc bán xăng A95 vẫn diễn ra bình thường. “Thời gian tới, để tiếp tục hoạt động thanh triểm tra, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ký công văn hỏa tốc gửi các đơn vị tỉnh, TP phối hợp kiểm tra việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn. Nếu có vấn đề về việc găm hàng, sẽ báo cáo Bộ và có xử lý nghiêm” - ông Tuấn nhấn mạnh.
 Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Nếu có vấn đề về việc găm hàng, sẽ báo cáo Bộ và có xử lý nghiêm. Ảnh: Khắc Kiên
Hài hòa lợi ích
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều hành giá xăng bằng sử dụng Quỹ bình ổn với mức lớn khiến các DN kinh doanh xăng dầu gặp khó. Song, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là đảm bảo tôn trọng nguyên tắc thị trường và có sự điều hành của nhà nước, hài hòa lợi ích của người dân, DN và Nhà nước. Đặc biệt, trong khi điều hành thì bám sát các mục tiêu vĩ mô của nhà nước như đảm bảo chỉ số CPI.
“Chúng tôi làm điều hành đều có xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng xem xét quyết định việc điều hành giá xăng dầu, chứ Bộ không tự quyết”, vị này nói.
Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, kỳ điều hành giá xăng mới đây có đặc thù riêng. Giá điện hơn 2 năm mới tăng và tăng 8,36%. Vì thế, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc tăng giá kép sẽ tác động lớn đến người dân. Các vấn đề DN phản ánh, Bộ Công Thương đều nắm rõ nhưng vì lợi ích người dân, lợi ích của quốc gia, đất nước, không phá vỡ mục tiêu của Nhà nước là kiểm soát CPI dưới 4%.
Về chỉ số CPI tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã tính toán đến. Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, tác động cộng hưởng của việc tăng cả giá xăng, giá điện dẫn đến áp lực lớn đến chỉ số CPI. Bộ đã có nhiều phương án và tính toán hết các yếu tố đó và báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét, không thể tự mình quyết được.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là đảm bảo tôn trọng nguyên tắc thị trường và có sự điều hành của nhà nước, hài hòa lợi ích của người dân, DN và Nhà nước. Ảnh: Khắc Kiên
“Chúng tôi là cơ quan tham mưu cùng với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê cùng Cục Điều tiết điện lực đưa ra các giải pháp, các phương án, các thông số để Chính phủ xem xét quyết định”, ông Đông nhấn mạnh.
Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc tới đây, giá xăng dầu thế giới trong xu thế tăng, trong khi quỹ bình ổn đang mỏng, thậm chí âm, thì phương án điều hành giá thế nào đảm bảo tránh giá tăng sốc khi không còn quỹ. Ông Đông cũng chia sẻ, trong tất cả phương án điều hành, Bộ đã có sự tính toán, kể cả báo cáo lại lãnh đạo bộ và lãnh đạo Chính phủ xem xét lại cách điều hành quỹ bình ổn giá, cách trích lập quỹ.  
Tuy nhiên, nguyên tắc xuyên suốt làm chính sách vĩ mô là phải ưu tiên lợi ích đám đông, đôi khi ưu tiên lợi ích đất nước, người dân, mọi chính sách hướng đến người tiêu dùng, người dân nhiều nhất.
"Quỹ bình ổn có lúc dương, bản thân các doanh nghiệp được hưởng lợi, thì khi xả quỹ, doanh nghiệp cũng nên chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước, với cộng đồng. Thời điểm này có thể lỗ nhưng thời điểm khác lãi, và cả năm có thể lãi. Không nên vì một chốc một lát lỗ ở thời điểm này mà gây áp lực cho điều hành nhà nước”.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông