Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn… chờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong những ngày đầu năm mới 2016 (ngày 4/1), liên Bộ Công Thương -Tài chính đã ra thông báo giảm giá xăng dầu bắt đầu từ 15 giờ.

Đây không phải là lần đầu tiên giá xăng dầu được điều chỉnh theo quy luật thị trường nhưng cước vận tải vẫn tiếp tục điệp khúc giảm nhỏ giọt. 

Giá xăng giảm 373 đồng/lít

Theo thông báo, từ 15 giờ ngày 4/1, các DN kinh doanh xăng dầu giảm giá bán xăng Ron 92 tối thiểu 373 đồng/lít, còn xăng E5 giảm 571 đồng/lít. Trong khi đó, mặt hàng dầu diesel 0,05S có mức giảm tối đa là 865 đồng/lít; dầu hỏa giảm 791 đồng/lít; dầu mazút 3,5S giảm 616 đồng/kg. Quyết định của liên Bộ cũng yêu cầu DN đầu mối trong nước giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu ở mức 300 đồng/lít, xăng E5 là 0 đồng/lít. Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức giá trần của xăng Ron 92 là 16.032 đồng/lít, xăng E5 không vượt quá 15.339 đồng/lít. Mức giá trần áp dụng đối với dầu diesel 0,05S là 11.119 đồng/lít; dầu hỏa cũng có giá tối đa là 10.274 đồng/lít, trong khi dầu mazút 3,5S không vượt quá 7.546 đồng/kg.
Nhân viên  Petrolimex điều chỉnh lại giá xăng tại cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy chiều 4/1. 	Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên Petrolimex điều chỉnh lại giá xăng tại cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy chiều 4/1. Ảnh: Phạm Hùng
Lý giải việc điều chỉnh trên, liên Bộ cho biết, giá thành phẩm của mặt hàng xăng Ron 92 trung bình trong 15 ngày vừa qua (tính từ ngày 18/12/2015 đến hết ngày 3/1/2016) ở mức 51,4 USD/thùng, giảm hơn 2 USD/thùng so với chu kỳ tính giá cơ sở liền kề, trong khi dầu hỏa cũng giảm khoảng 3 USD/thùng... Sau khi tính các khoản thuế, phí, liên Bộ đã yêu cầu DN đầu mối điều chỉnh giá để đảm bảo đúng theo quy định của Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. 

"Sức ì" của cước vận tải

Điều hành mặt hàng xăng dầu đã tuân theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, trong những lần giá xăng dầu điều chỉnh tăng, giá cước vận tải lập tức được điều chỉnh tăng theo với lý do giá xăng dầu là cấu thành quan trọng khi xây dựng biểu giá vận tải. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt. Đây là nguyên nhân không nhỏ khiến nhiều loại hàng hóa vẫn chưa được điều chỉnh tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã 19 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 13 lần giảm và 6 lần tăng. Mức giá xăng Ron 92 hiện nay là 16.032 đồng/lít, chỉ cao hơn cùng kỳ năm trước 362 đồng/lít. Tuy nhiên, phải đến thời điểm giữa tháng 10/2015, các DN kinh doanh vận tải hành khách mới kê khai giảm giá từ 3 - 5%. Từ đó đến nay, các DN vận tải không điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng dầu liên tục giảm.

Hiện, nhiều DN vận tải lại đưa ra lý do khác để biện minh, đó là DN đang chịu quá nhiều thuế, phí. Đại diện một DN vận tải than phiền: Có nhiều yếu tố tác động lên giá cước vận tải, trong đó yếu tố đầu vào chiếm khoảng 40% chi phí vận chuyển. Hiện, một chiếc ô tô từ khi mua về hoạt động tại Việt Nam phải “cõng” khoảng… 15 loại thuế và lệ phí. Bên cạnh đó phải chịu quá nhiều phí đường bộ khi qua các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm sau mưa… Điều này khiến việc giảm giá cước vận tải là nhiệm vụ bất khả thi. 

Nhằm quản lý giá cước vận tải và bình ổn giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các ngành liên quan yêu cầu các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay và giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước so với lần kê khai liền kề trước, từ đó kê khai lại giá cước theo quy luật thị trường phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào. Tuy nhiên, để DN giảm được giá cước vận tải, ngoài việc giảm giá xăng dầu theo đúng quy luật thị trường, đòi hỏi cơ quan Nhà nước cần phải xem xét điều chỉnh lại các khoản phí mà các phương tiện (xe ô tô) đang phải gánh, đặc biệt là phí thu tại các trạm BOT.