Hàng ế nên không dám tăng giá
Theo một số tiểu thương kinh doanh hàng rau củ tại chợ Thành Công, mặc dù chi phí tăng nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá các mặt hàng vẫn giữ ổn định. Cụ thể, rau dền 4.000 đồng/mớ, rau ngót 5.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ, cà chua 12.000 đồng/kg… Tại chợ thủy sản Kim Liên, các loại cá, tôm, mực cũng giữ giá so với thời điểm chưa tăng giá xăng, dầu do sức tiêu thụ thực phẩm tươi sống của người dân vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ tiếp tục giảm. Thịt lợn thăn giá 80.000 - 85.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), thịt ba chỉ 72.000 - 75.000 đồng/kg, thịt nạc vai 72.000 - 78.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg). Giá trứng gia cầm cũng ổn định: Trứng gà ta 33.000 đồng/chục quả; trứng gà công nghiệp giá 23.000 - 25.000 đồng/chục quả; giá trứng vịt: 30.000 - 35.000 đồng/chục quả. Các loại hoa quả cũng có giá khá hợp lý: Dưa hấu 10.000 đồng/kg, chôm chôm 25.000 đồng/kg, măng cụt 30.000 đồng/kg, dứa từ 5.000 - 7.000 đồng/quả…
Theo các tiểu thương, hiện sức mua tại các chợ còn rất yếu, hàng bán chậm. Một số mặt hàng dù đầu vào có tăng nhưng các tiểu thương vẫn giữ giá. Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, chợ Kim Ngưu... dù giờ cao điểm mua sắm nhưng người mua khá vắng. Khu vực bán quần áo còn có một vài khách hàng đến mua sắm, những mặt hàng khác như vải sợi, giày dép… hầu như chỉ có người bán ngồi nhìn nhau. "Với tình cảnh chợ ế như thế này, nếu cước vận chuyển có tăng nữa, chúng tôi vẫn không dám tăng giá" - một tiểu thương tại chợ Hôm cho hay.
Dù giá xăng tăng nhưng các mặt hàng vẫn giữ giá để đảm bảo sức mua. Trong ảnh: Mua bán thịt lợn tại chợ Bưởi. Ảnh: Yên Chi
Nguyên nhân của cảnh ế ẩm tại nhiều khu chợ, trung tâm thương mại là việc người tiêu dùng chọn giải pháp thắt chặt chi tiêu. Chị Phan Thu Hương - nhân viên kinh doanh của công ty máy tính cho biết, công ty chị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến thu nhập của bản thân cũng giảm sút đáng kể. "Trước đây, với mức thu nhập trung bình từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, tôi thường dành khoảng 40% thu nhập của mình vào việc ăn uống, mua sắm... Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, do thu nhập bị cắt giảm chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng nên tôi phải chi tiêu tiết kiệm hơn, mỗi sáng đều mang cơm đi ăn trưa tại công ty, các khoản mua sắm giảm đáng kể" - chị Hương tâm sự.
Cước vận tải: nửa tăng, nửa cố thủ
Sau khi giá xăng tăng, các DN vận tải lâm vào thế giằng co khi không tăng giá thì phải bù lỗ, tăng giá thì mất khách hàng, thị phần. Bên cạnh số ít DN rục rịch tăng giá, phần lớn DN đều bày tỏ quan điểm chia sẻ với hành khách.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải xe khách Hải Âu cho biết, đơn vị này chưa có chủ trương tăng giá cước vận tải. "Chúng tôi đang nghiên cứu, lên phương án tính toán. Với mức tăng giá xăng, dầu dồn dập vừa qua, DN vận tải đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động" - ông Hưng nói.
Lãnh đạo xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội (Newway) khẳng định, chưa tăng giá cước. "Về mặt nguyên tắc, khi giá xăng, dầu tăng thì DN vận tải sẽ phải điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, xe chủ yếu chạy bằng dầu diezel trong khi đó đợt vừa qua dầu diezel chỉ tăng 370 đồng/lít, vì vậy DN đang cân nhắc, tính toán" - vị lãnh đạo này cho biết. Phương án mà các DN này áp dụng là rà soát lại chi tiêu, có thể cắt giảm nhân sự để tồn tại.
Với các hãng taxi, hai đợt điều chỉnh giá nhiên liệu liên tiếp trong tháng 6 vừa qua đã khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này phải chịu thiệt nhiều nhất. Với hơn 500 xe hoạt động trên toàn hệ thống, sau tăng giá xăng, mỗi ngày DN taxi Hương Lúa "đội" chi phí lên khoảng 20 triệu đồng, tương đương 600 triệu đồng/tháng. "Không tăng giá cước thì DN phải bù lỗ khoản chi phí xăng, dầu tăng thêm, còn tăng giá cước thì lượng khách sẽ giảm. Ông Đinh Văn Sáu - Giám đốc Công ty taxi Hương Lúa chia sẻ.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định, tùy từng DN sẽ cân đối chi phí đầu vào và đầu ra rồi mới đưa ra quyết định tăng hay không, hoặc tăng ở mức nào cho phù hợp. Hiện, các DN cũng đang "nhòm ngó" lẫn nhau trước khi đưa ra quyết định.