Vận tải chuẩn bị tăng giá
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần, trong đó có 4 lần tăng giá. Hiện tại, giá xăng RON95 đứng ở mức 21.511 đồng/lít, cao hơn 1.221 đồng/lít so với đầu năm và giá xăng E5 RON92 ở mức 19.940 đồng/lít, tăng thêm 1.697 đồng/lít. Giá dầu mazut là 14.437 đồng/kg, cao hơn 2.055 đồng/kg.Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Tiến Đạt Vũ Thị Phương cho biết: Việc xăng, dầu tăng giá liên tục khiến giá dịch vụ vận chuyển khó có thể đứng yên, bởi với các loại xe container, xe tải, nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% cơ cấu chi phí vận tải. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay giá dầu tăng gần 3.000 đồng/lít khiến giá thành mỗi chuyến đi đường trường 900km tăng thêm khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Vì vậy, trong kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tháng 6, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì DN vận tải tăng giá cước vận chuyển là điều khó tránh khỏi.Tương tự, các DN taxi cũng lo lắng tìm lời giải cho bài toán có nên tăng giá cước vận chuyển hay giữ nguyên trong khi xăng dầu liên tục tăng giá. Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (DN sở hữu hãng Taxi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ: Việc giá xăng dầu liên tục tăng là khó khăn, thách thức đối với các DN kinh doanh vận chuyển hành khách. Nếu so sánh giữa lần điều chỉnh giá xăng gần nhất là ngày 23/5 khi xăng E5 tăng lên 19.940 đồng/lít, trong khi giá cước xe taxi ở thời điểm điều chỉnh gần đây nhất (28/2/2016) thì giá xăng chỉ 13.750 đồng/lít. Vì đang phải cạnh tranh gay gắt nên tại thời điểm này, DN kinh doanh taxi chưa có kế hoạch điều chỉnh nhưng trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới đây nếu tiếp tục tăng giá thì cước taxi có thể buộc phải thay đổi.Thực tế cho thấy, trong khi các DN vận chuyển hành khách, taxi chưa điều chỉnh tăng giá vận tải hàng hóa, hành khách nhưng Grab đã điều chỉnh tăng giá cước tối thiểu trên một chuyến xe từ 20.000 - 25.000 đồng, tương đương mức tăng 20 - 25%.Thực phẩm lập mặt bằng giá mớiMặc dù giá cước vận chuyển hàng hóa chưa tăng nhưng hiện giá các mặt hàng phẩm, rau xanh trên thị trường đã biến động tăng trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Theo Tổng cục Thống kê, việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hai đợt liên tiếp trong tháng 5 (ngày 8/5 và ngày 23/5), tổng cộng xăng RON 95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít làm giá xăng dầu bình quân tăng tới 3,68%, khiến chỉ số CPI chung tăng 0,16% so với tháng 4.Khảo sát giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống như Thành Công, Kim Giang, Vĩnh Hồ, chợ Mơ... giá rau xanh, thịt lợn đã tăng từ 7 - 10% so với những ngày đầu tháng 5. Mặc dù giá các mặt hàng thiết yếu tăng, nhưng Ban Quản lý các chợ đầu mối tại Hà Nội khẳng định, nguồn hàng về các chợ vẫn không bị khan hiếm.
Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Hà Nội như hiện nay là do giá xăng dầu tăng mạnh, khiến chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dịch vụ chợ đầu mối phía Nam Đỗ Quang Sơn cho biết, giá rau xanh, thực phẩm tươi sống bán tại chợ mặc dù đã bắt đầu tăng nhưng Ban Quản lý chợ chỉ có thể nhắc nhở các tiểu thương và thống kê, báo cáo UBND quận, Sở Công Thương có biện pháp bình ổn giá. “Việc xăng tăng giá chắc chắn có ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, tăng chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất, giết mổ đến chợ” - ông Sơn nhận định.Trước tình hình giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có chiều hướng tăng, Sở Công Thương TP Hà Nội đang nắm bắt tình hình thị trường, từ đó cân đối cung cầu. Đồng thời phối hợp với các tỉnh, TP vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc để khai thác hàng hóa đưa về Hà Nội nhằm tạo nguồn cung ổn định, lâu dài, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.