Xăng Ron95 khan hiếm đột ngột: Bộ nói không, doanh nghiệp nói có

Ánh Ngọc - Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 25/3, Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện khan hiến xăng dầu, tuy nhiên, sáng 26/3, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội đã treo biển dừng bán xăng RON95 và chỉ còn bán xăng E5RON92

 Nhiều cửa hàng của Tổng công ty xăng dầu quân đội thông báo dừng bán xăng RON95
Hiện, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Tổng công ty xăng dầu Quân đội đã treo biển hoặc nhân viên thông báo ngừng bán xăng RON95. Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu chia sẻ, hiện tại 5 cửa hàng của DN này đã ngừng bán xăng RON 95. Chỉ một số cửa hàng có bể chứa to là còn xăng RON 95 còn lại đều đang trong tình trạng hết hàng. “RON95 không có hàng, do không có nguồn để mua từ mấy hôm nay và cũng chưa biết khi nào mới có xăng RON95 trở lại để cung cấp ra thị trường” – vị này nhấn mạnh. Vị đại diện DN này cũng cho hay, DN sẵn sàng chi tiền để mua xăng RON 95 nếu có mối cung ứng xăng hợp pháp.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch HĐQT Công ty xăng dầu Tự Lực 1 Nguyễn Văn Tiu cho hay, tình trạng thiếu xăng là do giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, trong khi xăng RON 95 buộc phải nhập khẩu còn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn không thể cung ứng đủ nhu cầu trong nước Nếu có nhập xăng thì cũng phải sau 15 ngày mới về, song với giá cả biến động phức tạp như hiện nay lại không được tăng giá thì bán ra chỉ có lỗ.
Phân tích nguyên nhân việc xăng RON 95 cung không đủ cầu, các DN kinh doanh xăng dầu có chung ý kiến việc liên tục phải nhập, mua xăng dầu giá cao, nhưng từ đầu năm giá bán lẻ liên tục giữ nguyên và kỳ điều hành ngày 18/3 như một cú bồi, khiến số dư quỹ giảm trầm trọng. Điều này rõ ràng ảnh hưởng xấu tới tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Chưa kể, việc mức chiết khấu cho công ty còn bị giảm mạnh, chỉ còn khoảng 200 - 300 đồng/lít, không đủ chi phí vận tải.
 “Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua Bộ Công Thương đã yêu cầu DN xả quỹ bình ổn giá, thế nhưng hiện  chỉ còn Petrolimex còn quỹ, những DN khác đều đã cạn kiệt, không còn kinh phí bình ổn, nếu nhập khẩu DN sẽ bị thua lỗ. Lẽ ra trong kỳ điều hành xăng dầu vừa qua Bộ Công Thương thay vì việc dùng quỹ bình ổn để kiềm chế giá mà nên tăng giá xăng RON 95 thêm 500-700 đồng/lít” - ông Nguyễn Văn Tiu nêu rõ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng RON 95 sáng 26/3, Petrolimex đã ra thông báo trong ngày sẽ cung ứng xăng cho các DN đầu mối thế nhưng đến chiều cùng ngày, Petrolimex  cung ứng rất “nhỏ giọt”, chỉ bằng ¼ so với nhu cầu của các DN hiện nay. Theo các DN, thời gian qua trích lập quỹ bình ổn quá nhiều, giá giữ nguyên nên đầu mối nhập khẩu không còn nguồn, càng nhập càng lỗ. Tuần trước, giá dầu thế giới có lúc đã vọt lên mức đỉnh của năm nay, trước những thông tin nguồn cung sẽ thắt chặt hơn. Giá dầu Brent tương lai ngày 25/3 tăng 18 cent lên 67,21 USD/thùng.
Trong kỳ điều hành ngày 18/3, giá xăng dầu thế giới tăng nhưng giá xăng trong nước vẫn giữ nguyên. Thay vào đó, quỹ bình ổn xăng dầu được xả để giữ giá ở mức kỷ lục tới 2.061 đồng/lít đối với xăng RON 95, các mặt hàng dầu chi sử dụng quỹ ở mức 1.000 - 1.600 đồng/lít.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giữ ổn định giá xăng dầu để ổn định giá cả hàng hóa đầu vào, nhất là trong bối cảnh giá điện vừa tăng xong. Tuy nhiên, việc nhà điều hành tiếp tục xả mạnh Quỹ bình ổn xăng dầu gây áp lực lớn lên các tháng sau khi nguồn dư quỹ dần cạn. Hầu hết các DN kinh doanh xăng dầu đều có chung kiến nghị, với 2 lần điều chỉnh mà trích quỹ bình ổn liên tục ở mức cao, cơ quan chức năng nên xem xét lại, để giá bán lẻ diễn biến đúng giá thị trường thế giới.
Tuy nhiên đứng dưới góc độ người tiêu dùng, Bộ Công Thương nên xây dựng phương án điều hành xăng dầu sao DN và người dân cũng có lợi bởi quỹ Bình ổn giá xăng dầu là do chính người tiêu dùng đóng góp trong quá trình tiêu thụ xăng.