>>> Từ 18h30 hôm nay, giá xăng tăng thêm 650 đồng/lít
Giữ thuế, trích quỹ bình ổn
Phương án điều hành thị trường xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo chiều 28/8. Bộ Tài chính tính toán trong vòng 30 ngày gần đây, cho thấy giá xăng vẫn duy trì ở mức cao. Tính tới 27/8, giá xăng thành phẩm tăng 13,24% so với 30 ngày trước, dầu DO tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59 % và Mazut tăng 8,01%. Cũng theo cách tính 30 ngày này, giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 700 - 1.500 đồng/lít xăng dầu.
Các công cụ thuế, phí... nên được sử dụng nhiều hơn. Nhà nước có nhiều công cụ để giá xăng dầu giữ được bình ổn. Điều hành giá xăng dầu không phải thế giới điều chỉnh là ngay lập tức chúng ta điều chỉnh tương ứng. Thị trường cần giữ được độ dài thời gian về giá để tạo sự ổn định. Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm chậm đi đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, nếu tính đúng phải điều chỉnh giá bám sát giá cơ sở. Để bù đắp cho DN và ngăn giá không tăng quá cao, liên bộ thống nhất cho tăng mức sử dụng quỹ bình ổn với xăng từ 300 đồng/lít lên 500 đồng/lít. Mặt hàng dầu, sau nhiều năm không được bù lỗ, cũng được trích 300 đồng từ quỹ bình ổn giá.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 29 ngày, giá xăng dầu lại tăng. Như vậy, tổng mức tăng của cả 3 lần đối với xăng đã lên tới 3.100 đồng/lít và 2.050 đồng/lít đối với dầu diezen. Đáng chú ý, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn giữ nguyên. Theo đó, trừ dầu diezen có thuế suất 10%, xăng và các mặt hàng dầu còn lại đều đang chịu thuế nhập khẩu 12%.
Những tồn tại
Trước khi các cơ quan chức năng quyết định tăng giá xăng dầu, những ngày qua tại nhiều địa phương trong cả nước lại xuất hiện tình trạng cây xăng đóng cửa với nhiều lý do như hết xăng, mất điện máy hỏng... Theo phản ánh của người dân, trên Quốc lộ 21B, đoạn từ Ba La (Hà Đông) tới thị trấn Kim Bài, các cây xăng đã đồng loạt đóng cửa với lý do hết xăng, có cây xăng mở bán nhưng chỉ thấy một nhân viên phục vụ...
Người dân mong muốn có một cơ chế điều hành giá xăng dầu minh bạch, rõ ràng. Ảnh: Hải Linh
Nhiều chủ cây xăng cho biết, xăng hết do đơn vị đầu mối chỉ cung cấp nhỏ giọt. Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty CP Cơ khí Đông Anh (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chiết khấu hiện nay mà đơn vị nhận được chỉ vào khoảng 300 đồng/lít. Sau khi trừ tiền thuế, vận tải tính ra chỉ lãi được 100 - 150 đồng/lít, nếu tính cả tiền thuê nhân công thì chỉ còn 50 đồng/lít; DN nào phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh thì lỗ vốn, càng bán càng lỗ trong khi DN phải kinh doanh có lãi nên không thể vì lỗ mà vẫn bán.
Bên cạnh đó, nguồn hàng cũng không thực sự ổn định do đơn vị cung ứng (Petrolimex) chỉ cho phép nhập theo định mức là 80 m3/tháng, như vậy mỗi ngày chỉ được nhập khoảng 2.000 lít, nếu trong ngày hết hàng cũng phải đợi ngày hôm sau mới được nhập hàng. Trong khi đó, lãnh đạo 3 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ lực trên địa bàn cả nước (Petrolimex, PVOil và Petec) đều khẳng định, nguồn cung không thiếu.
Cây xăng kêu thiếu nhưng nhà cung cấp lại bảo đủ, rõ ràng đã có sự vênh nhau. Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bình luận: Có 3 tồn tại hiện nay đang tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối gian dối: "Các cơ quan quản lý không kiểm tra được lượng hàng tồn kho của DN trước và sau thời điểm tăng giá; giá cơ sở không ai kiểm tra được tính hợp lý và tính chính xác; cho phép DN có lợi nhuận định mức" - ông Phú nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cần xem xét lại cơ chế điều chỉnh giá để hạn chế các tác động xấu của giá xăng dầu trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Với tình trạng độc quyền của thị trường như vậy, không thể thả nổi giá cho DN. Vấn đề căn bản cần thay đổi là cách thức điều hành thị trường và quản lý giá xăng dầu. Bởi, nếu tiếp tục duy trì, nguy cơ lặp lại tình trạng găm hàng, ngưng bán, gây sức ép như đợt tăng giá trước đây là khó tránh khỏi.
Xử lý nghiêm trường hợp ngừng bán xăng dầu không rõ lý do Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu phải bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng, dầu cho toàn hệ thống phân phối của DN. Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo DN kinh doanh xăng, dầu có cửa hàng bán lẻ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương; Chi cục quản lý thị trường tập trung vào việc kiểm tra thực tế việc kinh doanh xăng, dầu của DN và các hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa. Kiên quyết xử lý các hành vi găm hàng, ngừng bán không rõ lý do, vi phạm về đối tượng mua, bán, giao nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng, dầu, vi phạm về dự trữ xăng, dầu. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường từ đầu năm đến nay, 30 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã bị tước Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu. Minh Ngọc |