Những sự kiện được cho là khởi nguồn cho cơn bão chỉ trích nơi dư luận. Đầu tiên là nhắm vào HLV Hữu Thắng, tiếp đó là “người đóng thế” Mai Đức Chung. Có tờ báo thậm chí còn lớn tiếng kêu gọi “mời ông Chung về đội tuyển nữ” vì đội tuyển bóng đá nam chơi thứ bóng đá kém cỏi trước Campuchia. Họ cũng không thèm quan tâm đến việc chính ông Chung đã giúp đội tuyển Việt Nam chấm dứt chuỗi trận chỉ biết hòa và thua cùng cơ hội rất lớn giành tấm vé đến VCK ASIAN Cup. Từ cơn bão chỉ trích nhắm vào đội tuyển, người ta ngay lập tức đã đề cập đến cái được cho là vấn nạn của nền bóng đá Việt Nam là trình độ và thành tích đang “xuống đáy”.Không có nền bóng đá nào lại coi thành tích của một đội bóng trẻ như là đại diện cho sự thành bại của một nền bóng đá như ở Việt Nam. Mọi kỳ vọng và thậm chí là sự đầu tư được dành cho một đội bóng trẻ. Thậm chí, đội bóng ấy được xây dựng dựa trên một lứa trẻ của một CLB vốn chưa khẳng định được vị trí vững chắc tại V-League cũng như đấu trường khu vực. Quá đề cao lứa cầu thủ trẻ này, nhưng lại dè bỉu, thậm chí phủ nhận thành công của lứa cầu thủ trẻ khác cũng là vấn đề của bóng đá Việt Nam. Người ta coi thất bại của U22 Việt Nam là thảm họa nhưng lại quên mất rằng, U15, U16 đã vô địch Đông Nam Á, U20 giành vé đến World Cup và đội nữ giành vàng SEA Games.Chưa bao giờ dư luận bóng đá nước nhà lại mâu thuẫn về cách nhìn nhận vấn đề như lúc này. Người thì chỉ trích các nhà điều hành nền bóng đá đã thất bại khi không thể lật đổ được Thái Lan. Luồng quan điểm khác lại cho rằng, hơn 50 năm qua đã bao giờ bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games và vượt được Thái Lan đâu mà bức xúc? Hạ tầng, đầu tư, sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn kém xa Thái Lan thì lấy cơ sở nào để vượt qua họ?Bất cứ mục tiêu nào của một đội tuyển, một nền bóng đá phải dựa trên sự thực tế và nền sẵn có. Với nội lực hiện tại, bóng đá Việt Nam đã làm được rất nhiều điều. Nói đâu xa, nhiều năm qua, bóng đá nữ Việt Nam đã phải gồng mình vượt khó. Giải vô địch quốc gia không nhận được sự quan tâm của người hâm mộ cũng như giới DN. Vậy nhưng, bằng nhiều cách, sân chơi này vẫn được duy trì để các nữ cầu thủ có cơ hội cọ xát, phát triển.Ngoài ra, phải kể đến việc, dù nền kinh tế có nhiều khó khăn, các nhà tài trợ cắt giảm kinh phí nhưng hàng loạt đội tuyển vẫn được tập trung thường xuyên và tập huấn nước ngoài. Kết quả là bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều vinh quang trong thời gian gần đây. Và điều đáng nói là hầu hết các chuyến tập huấn nước ngoài của các đội tuyển đều được thực hiện bởi sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Điều này giúp VFF tiết kiệm được kinh phí và có điều kiện thực hiện những dự án khác của mình.Vậy mới nói, khái niệm chạm đáy mà một số chuyên gia rất nhiều lần đề cập đến thời gian qua không hẳn là cái nhìn toàn cảnh về nền bóng đá. Nhưng rất tiếc là nó lại mang đến luồng dư luận tiêu cực và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng và cả nền bóng đá.