Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng các tuyến phố văn minh, hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Hà Nội đã triển khai chặt bỏ, thay thế cây xanh trên một số tuyến đường khiến dư luận băn khoăn, người dân thắc mắc...

Tuy nhiên, đây là việc làm nằm trong kế hoạch chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, nhằm đồng bộ hóa hệ thống cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô.

Thay cây để đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát với khoảng 70 loài được trồng trên gần 3000km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Hiện, nhiều cây được trồng từ thời Pháp và sau ngày giải phóng Thủ đô nên đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gẫy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. Nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà cừ, long não... ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ATGT, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, trên một số tuyến đường tồn tại nhiều cây lâm nghiệp không phải cây đô thị như cây keo, cành giòn dễ gẫy, tuổi thọ ngắn. Ngoài ra, một số cây trên tuyến phố do người dân tự ý trồng các loài cây không thuộc chủng loại đô thị như dâu da, vông, dướng, bông gòn, trứng cá...
Công nhân thực hiện cắt bỏ cây xanh không đảm bảo an toàn trên đường Nguyễn Chí Thanh chiều 19/3. Ảnh : Công Hùng
Công nhân thực hiện cắt bỏ cây xanh không đảm bảo an toàn trên đường Nguyễn Chí Thanh chiều 19/3. Ảnh : Công Hùng
Để triển khai quy hoạch cây xanh trên địa bàn TP và thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015", UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổng kiểm tra rà soát hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, phố, lập đề án huy động các nguồn lực để bảo tồn, cải tạo, từng bước thay thế cây xanh phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái. Phó
"Trước khi triển khai thực hiện công tác thay thế cây, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án và kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thông báo đến người dân được biết và đồng thuận. Sau khi các đơn vị thực hiện thay thế cây xanh trên các tuyến phố, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh sẽ tiếp nhận quản lý, duy trì, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật".

Ông Trần Trọng Hiếu  -
Trưởng phòng Môi trường và công trình ngầm - Sở Xây dựng
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Nguyễn Xuân Hưng cho biết, qua rà soát có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng đến giao thông, cây chết và gần chết, cây không thuộc chủng loại cây đô thị. Do đó, các cây này sẽ từng bước được thay thế bằng các loài cây phù hợp.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã đề xuất TP cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015 - 2017), dự tính kinh phí gần 60 tỷ đồng. Năm 2015, TP chưa bố trí kinh phí cho việc cải tạo, thay thế cây xanh. Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết mùa xuân thuận lợi cho việc thay thế cây và tránh mùa mưa bão, đồng thời huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng Thủ đô, UBND TP có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ kinh phí thay thế cây xanh. Đến nay đã có một số đơn vị tham gia như: Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam thịnh vượng, Công ty CP Thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công an TP và một số tổ chức, cá nhân khác.

Thí điểm tại 16 tuyến phố

Trong tháng 3, Hà Nội đã đồng loạt thay thế cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây cong nghiêng, cây sâu mục, gây mất ATGT trên 16 tuyến phố thuộc 4 quận. Số lượng cây thay mới, bổ sung trong đợt này là 1.000 cây xanh bóng mát, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa, các đơn vị, DN trên địa bàn Hà Nội. Ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng Môi trường và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, qua kiểm tra, khảo sát các tuyến phố trọng yếu tại 4 quận cho thấy, toàn bộ các cây xanh thay thế trong đợt này là các cây không thuộc chủng loại cây đô thị do người dân tự trồng như bông gòn, dâu da và một số cây xà cừ, cây sấu đã già cỗi, đe dọa mất ATGT. Bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn của cây  đô thị trước đây, tiêu chuẩn về loại cây trồng đô thị không còn phù hợp với quy định hiện hành. Như trước đây, cây trồng đô thị đường kính từ tối thiểu 4 - 6cm2, chiều cao 3m. Còn theo quy định mới của TP, loại cây trồng đô thị phải có tiêu chuẩn đường kính tối thiểu 15cm2, chiều cao tối thiểu 6 - 8m.

Một số tuyến phố nằm trong diện được thay thế, trồng mới cây xanh đô thị đợt này như Xã Đàn (đoạn từ Đào Duy Anh tới Hoàng Cầu), trồng 139 cây sấu đã cơ bản hoàn tất, tuyến Nguyễn Thái Học - Kim Mã cũng bổ sung, thay thế 225 cây xanh cong nghiêng, sâu mục… Theo Sở Xây dựng, không phải các tuyến phố trồng thay thế cây xanh bằng nguồn vốn xã hội hóa là bỏ mặc cho các đơn vị muốn trồng cây gì thì trồng, khoảng cách các cây ra sao mà có sự giám sát của Sở Xây dựng. Cây trồng bắt buộc phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn cây đô thị, quy trình trồng, chăm sóc… sẽ được Ban duy tu hạ tầng trực thuộc Sở Xây dựng giám sát chặt chẽ. 
Phải công khai, minh bạch việc thay thế cây xanh

Đối với việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng, bởi những loại cây gây tác hại cho đô thị thì cần phải thay thế. Tuy nhiên, các loại cây xanh liên quan đến môi trường, liên quan đến cuộc sống của người dân và lịch sử của Thủ đô Hà Nội, vì vậy phương pháp tiếp cận, biện pháp thực hiện phải công khai, minh bạch. Đồng thời, phải lấy ý kiến người dân ở từng khu phố về tình trạng các loại cây xanh. Trong đó, loại cây nào cần phải thay thế, mỗi khu phố thay thế bao nhiêu cây xanh... Nếu cách làm phù hợp, tôi tin người dân sẽ đồng tình, ủng hộ chủ trương này. - GS.TSKH Đặng Hùng Võ  - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Cải tạo cần phải có thời gian

Đừng xem dự án chặt hạ cây xanh hiện nay Hà Nội đang thực hiện là một việc gì lạ thường mà đây là cụ thể hóa Nghị định 64NĐ/CP của Chính phủ về quản lý phát triển cây xanh đô thị. Trong đó có quy định rõ các cây phải chặt hạ, cây nào được giữ lại, cây nào là di sản… Bên cạnh đó là quy hoạch công viên, cây xanh Hà Nội và các đề tài khoa học nghiên cứu về lựa chọn các chủng loại cây xanh phù hợp với các tuyến đường trong nội thành (đã nghiệm thu từ cách đây hơn 15 năm, trong đó đã xác định rõ các loại cây phù hợp). Đồng thời, từ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội cũng xác định việc tạo lập nét đặc trưng, đặc thù cho từng tuyến đường, từng khu vực của Hà Nội bằng cây xanh. Cùng với các căn cứ trên và từ yêu cầu xã hội hóa, TP Hà Nội đã mạnh dạn và quyết liệt thực hiện thay thế cây xanh. Đây là một chủ trương đúng. Trong quy định của Chính phủ cũng nhắc đến trách nhiệm của cộng đồng là phải chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư mình đang ở. Việc chặt hạ của cơ quan quản lý không cần phải hỏi, nhưng cần phải tính đến vai trò của cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng, do vậy cần phải quảng bá, thông tin đến người dân. Việc tuyên truyền không chỉ để người dân thấy cái lợi của dự án mà còn để người dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Thực tế là việc tuyên truyền đến người dân chưa được tích cực. Chủ trương đúng nhưng việc thực hiện, cụ thể hóa cần lưu ý. Một số cây to không sâu mục mà chặt đi là không nên. Rõ ràng, cải tạo hệ thống cây xanh cần có thời gian. Phải mất 50 năm mới có hàng cây trên phố Phan Đình Phùng. Vậy cần nhìn vào giai đoạn tiếp theo, những gì để lại cho thế hệ sau; đó mới là mục tiêu của phát triển bền vững. -
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội

Thay cây là cần thiết nhưng phải đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ và môi trường

Việc thay thế là rất cần thiết, phù hợp nhằm đáp ứng cả hai tiêu chí: thẩm mỹ và môi trường, tôi tán thành. Nhưng Hà Nội cần thận trọng trong khi lựa chọn những giống cây tốt, vừa cho bóng mát vừa đẹp và tuổi thọ cao. - 
Ông Nguyễn Xuân Thủy -  Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT

Thông tin cụ thể đến người dân để có sự đồng thuận

Cây xanh chính là một phần cuộc sống, tâm hồn của người Thủ đô. Không những thế, cây còn là giá trị vật chất, vẻ đẹp thanh lịch của Hà Nội mà đi xa ai cũng nhớ. Tuy nhiên, Hà Nội cần phát triển, càng không thể cưỡng lại xu thế phát triển chung của các đô thị. Yêu cầu này đòi hỏi phải chặt bỏ một số lượng nhất định cây xanh tại các khu vực của Thủ đô. Điển hình như tuyến đường phục vụ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, không thể không chặt cây.  Vì sự phát triển, TP Hà Nội cần cân nhắc, lên quy hoạch trong việc ứng xử với cây xanh, phải gạn đục khơi trong, khám bệnh kỹ từng cây. Với những cây có thể sống nên tiến hành đánh bó để di chuyển, thực hiện trồng lại, phục vụ cho các khu vực khác. Song song với việc chặt cây cũng cần có những chiến dịch truyền thông, thông tin cụ thể đến người dân lý do, lợi ích của việc chặt cây, lắng nghe ý kiến phản hồi để có một sự đồng thuận, chung tay vì một đô thị phát triển hiện đại, xanh - đẹp.- 
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái - Khoa Báo chí Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn.

Việc cần làm

TP nào cũng cần cây xanh, càng nhiều cây càng tốt. Tuy nhiên, trồng cây cũng như xây dựng, cần có quy hoạch cụ thể, hợp lý. Một điều dễ nhận thấy là cây xanh trong TP đều được trồng từ hàng chục năm trước, phân bố phù hợp với kiến trúc vào thời điểm đó. Còn bây giờ, TP đang thay đổi mạnh mẽ, nhiều công trình mọc lên, hệ thống giao thông cũng mở rộng gấp nhiều lần, thì tất nhiên cũng phải sắp xếp lại cây cối cho phù hợp với hiện tại và tương lai. Tôi thấy cách tốt nhất là trồng mới, loại bỏ cây cũ già mục, loại cây không thích hợp, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào việc tạo nên một thảm thực vật mới có quy hoạch cụ thể, rõ ràng là tốt hơn nhiều. - 
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Số 14, ngách 41, ngõ Chùa Nền, đường Láng, Đống Đa, Hà Nội