Hội thảo nhằm lắng nghe, tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà quản lý văn hóa, đội ngũ nhà khoa học, những người hoạt động chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước để cụ thể hóa chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội thảo tập trung đề cập các nội dung chính là khai thông, củng cố và thắt chặt mối quan hệ với các nước, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có thêm nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định văn hóa đang thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là nhiệm vụ rất quan trọng.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và yêu cầu phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.
Một tiết mục trong chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ thiếu nhi Việt Nam-Lào-Campuchia. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
|
Cùng với Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 33 đã thực sự đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cho công tác hợp tác quốc tế về văn hóa, nâng tầm vóc, vị trí và vai trò của văn hóa đối ngoại lên một tầm cao mới. Nghị quyết đặt ra yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường và mở rộng hợp tác văn hóa, đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc một cách bài bản, khoa học, đúng quy luật khách quan với các bước đi phù hợp.
Xây dựng một chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để xử lý những nhiệm vụ to lớn, quan trọng nêu trên là rất cấp thiết đối với việc hoạch định chính sách văn hóa trong một thế giới "phẳng" như ngày nay.
Ông Poul Bache, Giám đốc Cơ quan văn hóa Đan Mạch cho rằng văn hóa đối ngoại là hoạt động giao lưu, trao đổi với thế giới bên ngoài những tinh hoa và giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới để làm giàu thêm văn hóa quốc gia. Cùng với đó, văn hóa đối ngoại góp phần nâng tầm văn hóa quốc gia trước cộng đồng quốc tế, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác (chính trị, kinh tế...) để quốc gia chủ thể tăng cường hợp tác, phát triển bền vững. Chính vì vậy, thuật ngữ văn hóa đối ngoại rộng hơn thuật ngữ ngoại giao văn hóa, là việc triển khai các hoạt động văn hóa do Nhà nước làm chủ đạo nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa phù hợp với yêu cầu chung của công tác đối ngoại.
Nhấn mạnh về sự đóng góp của truyền thông Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hiện nay với 977 cơ quan báo in; 1.084 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh, truyền hình; 74 báo và tạp chí điện tử; 1.174 trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và tiếp thu các tinh hoa văn hóa của thế giới vào Việt Nam.
Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại nêu đề xuất như xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông mang tính chuyên nghiệp; phối hợp với các ngành kinh tế, kinh doanh để xây dựng các sản phẩm văn hóa chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam.
Ngành văn hóa cần có chiến lược truyền thông phục vụ chiến lược văn hóa đối ngoại. Đội ngũ làm truyền thông của ngành văn hóa nên xây dựng mối quan hệ hợp tác, tích cực, thân thiện và tin cậy với giới truyền thông nói chung, đặc biệt là truyền thông nước ngoài để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tới hàng tỷ người trên thế giới.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) nêu ý kiến trong chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, cần cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện với 7 nội dung gồm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa; bảo đảm nguồn lực cho công tác ngoại giao văn hóa; gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình vận động danh hiệu quốc tế; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.