Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng chuỗi sản phẩm: Con đường tăng trưởng xuất khẩu

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa thế giới nên mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) liên tục tăng trưởng nhưng chủ yếu dưới dạng hàng thô, phần giá trị gia tăng thấp.

 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Hùng Thập

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối DN FDI
Theo Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch XK tăng trưởng vượt bậc, chạm ngưỡng 215 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong 7 tháng năm 2018, XK tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm ở mức trên 10%. Tuy nhiên, XK hàng hóa trong thời gian qua cho thấy dù kim ngạch tăng trưởng cao nhưng đóng góp chủ yếu vẫn từ khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (chiếm hơn 70%). Trong khi sự tham gia của DN trong nước còn hạn chế.

Đơn cử nhóm hàng nông sản, mặc dù nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có sản lượng dẫn đầu trong khu vực, nhưng hiện cả nước mới có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là an toàn. Và chỉ có khoảng 50% trong số này hoạt động có hiệu quả. Đây là một trong những lý do khiến nông sản của Việt Nam XK vẫn chủ yếu dưới dạng thô, giá trị không cao.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dù kim ngạch XK dệt may đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới song vẫn chỉ tập trung vào phần gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói. Đặc biệt, đến nay nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Riêng mặt hàng vải, DN Việt Nam phải nhập tới 86% để phục vụ sản xuất và XK.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sở dĩ có tình trạng này là do Việt Nam thiếu những DN có quy mô lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, các DN ít gắn kết vào chuỗi giá trị, sự hợp tác kinh doanh của DN trong nước với các DN FDI chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%), sản xuất hàng hoá và dịch vụ (24,8%), trong khi khâu phát triển sản phẩm ít có sự hợp tác… “Việt Nam hiện nay chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất”- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Tạo liên kết chuỗi - xây dựng thương hiệu

Để hướng tới XK bền vững, gia tăng giá trị cho hàng hóa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhưng mấu chốt quan trọng phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đề xuất, đối với nhóm nông sản, chúng ta cần phải sản xuất theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân – hợp tác xã và DN để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ngoài ra, cũng cần phát triển các loại giống có năng suất cao, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và quá trình xây dựng chuỗi sản phẩm...
Đặc biệt, riêng nhóm công nghiệp chế biến, muốn XK bền vững phải ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, da giày, dệt may... từ đó tăng tỷ lệ nội địa hoá. Để làm được điều này, bên cạnh việc Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý rất cần DN vào cuộc, từ đó XK mới có thể bền vững và đạt hiệu quả...

Cùng với đó các DN quy mô lớn cần cải thiện hệ thống quản trị, gắn kết, bổ trợ nội bộ và liên kết với các DN khác; Giảm khoảng cách về hiệu quả hoạt động và năng suất giữa khu vực DN Nhà nước, DN tư nhân và DN nước ngoài.
Muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng XK bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh. Đặc biệt, cần tăng liên kết DN trong nước với DN nước ngoài, giữa DN XK với DN cung cấp đầu vào trong nước. Khả năng kết nối của quốc gia với thị trường thế giới về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động… là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan