Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, tổng thu nội địa 4 tháng đầu năm ước đạt 16,3% dự toán pháp lệnh và bằng 73% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ dầu thô đạt 33,5% dự toán và bằng 114,8% so với cùng kỳ, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất và dầu thô ước đạt 34.277 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán pháp lệnh, bằng 76,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, để chống tình trạng gian lận, hạn chế thất thu thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu linh hoạt.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả - Ảnh 1
 
Đổi mới quy trình quản lý thuế hộ kinh doanh sẽ giảm thất thu thuế. Ảnh: Thanh Hải
 
Chú trọng công tác thanh, kiểm tra

Trong quý I/2013, chỉ có 9/15 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng là thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước địa phương; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước; lệ phí trước bạ... trong khi đó nhiều khoản thu lớn còn lại đạt thấp như thu từ khối DN Nhà nước T.Ư chỉ đạt 16% dự toán, bằng 51,5% so với cùng kỳ;  Thuế ngoài quốc doanh đạt 20,1% dự toán, bằng 86,4%; Thuế Thu nhập cá nhân đạt 24,4% dự toán và bằng 87,5%.

Theo ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trong thời gian tới, từ cấp Cục Thuế đến các Chi cục Thuế sẽ đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo điều hành thu ngân sách; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ nhằm tăng cường trách nhiệm lãnh đạo với việc thực hiện công tác quản lý thuế của cấp dưới. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy trình quản lý thuế, ngành thuế cũng tập trung vào công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra thuế nhằm ngăn ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của các tổ chức cá nhân trên địa bàn.  

Nằm trong kế hoạch của Tổng Cục đề ra, ngành thuế Thủ đô sẽ tích cực đôn đốc thu triệt để số thuế nợ đọng; các khoản thu liên quan đến đất đai; chú trọng việc thanh tra đối với các chuyên đề và các DN lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh du lịch, dịch vụ... qua đó, đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước số thuế truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra. Công tác kiểm tra, trong đó chú trọng thanh, kiểm tra sau hoàn thuế sẽ được tăng cường để đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch Cục đã đề ra. 

Chia sẻ khó khăn bằng thái độ phục vụ

Song song với nhiệm vụ thu ngân sách, công tác cải cách hành chính và hiện đại hoá ngành thuế luôn là nhiệm vụ trọng tâm đang được các đơn vị thuế trên địa bàn TP tích cực triển khai, qua đó, tăng cường hiệu quả việc thu, nộp thuế. Cục Thuế TP Hà Nội đã thành lập tổ chỉ đạo; lập kế hoạch và xác định trách nhiệm từng đơn vị; quán triệt đến cán bộ công chức: "Không yêu cầu người nộp thuế phải nộp thêm bất cứ loại giấy tờ gì ngoài quy định"; bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt, có tinh thần trách nhiệm tại bộ phận một cửa để hướng dẫn, giúp người nộp thuế, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra. Qua tiến hành rà soát, Cục đã có kiến nghị TP và Tổng cục Thuế sửa đổi 158/168 thủ tục về thuế (trong đó đề nghị bãi bỏ 6 thủ tục). 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đến nay số DN đăng ký nộp hồ sơ khai thuế qua mạng trên địa bàn TP đạt trên 60.000 DN. Hàng tháng số DN kê khai thuế qua mạng thành công đạt trên 95% (vượt mức chỉ tiêu Bộ Tài chính giao đầu năm là 50.000 DN và Tổng cục Thuế giao bổ sung là 55.000 DN).Công tác cải cách hiện đại hoá của Cục Thuế TP Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng, đã tạo điều kiện chia sẻ với cộng đồng DN, doanh nhân vượt khó khăn, thách thức để phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Tăng nặng hình thức xử phạt trong lĩnh vực thuế

Tổng cục Thuế vừa hoàn tất Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về thuế và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó, Tổng cục Thuế đã đề xuất các vi phạm hành chính thuế có tình tiết tăng nặng như: Vi phạm hành chính về thuế có tổ chức; vi phạm hành chính về thuế nhiều lần; đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế nhưng chưa bị xử phạt; tái phạm trong lĩnh vực thuế... Ngoài biện pháp phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp đủ số tiền thuế nợ, tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước; buộc tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán in, phát hành trái quy định của pháp luật, trừ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán là tang vật phải lưu trữ làm chứng cứ xử lý vụ việc vi phạm.  

Nguyên Thảo