Coi trọng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh Hầu hết ý kiến cho rằng, Dự thảo văn kiện cần nêu rõ yêu cầu đột phá về bộ máy và cơ chế lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Ông Châu Nam Long - hội viên CLB Thăng Long phản ánh: Chúng ta đã tiến hành cải cách bộ máy Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, mở cửa hội nhập quốc tế, nhưng do việc tổ chức thực hiện còn thiếu quyết tâm chính trị nên tiến triển chậm, hiệu quả thấp, cùng với nhiều tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, làm khủng hoảng lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nạn chạy bằng chạy cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy tội và tệ tham nhũng phát triển, nhất là tham nhũng về đất đai là vấn đề nhức nhối. “Đại hội cần mổ xẻ, làm rõ vấn đề này để có phương hướng khắc phục hiệu quả, mới có thể đưa sự nghiệp của chúng ta tiến lên” - ông Long nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Thăng Long Dương Ngọc Sơn, Dự thảo Báo cáo chính trị có tiêu đề đầu tiên là “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” là đã nêu “trúng” một vấn đề rất bức thiết hiện nay. Đồng tình rằng nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng tinh vi là vấn đề phức tạp không thể một sớm một chiều giải quyết, ông Sơn cũng thẳng thắn nhận xét: Chủ trương thì đúng, nhưng giải pháp chưa đủ mạnh, chỉ đạo chưa tập trung, bộ máy phòng chống có chỗ chưa hợp lý, nhất là về thẩm quyền trách nhiệm, tổ chức và con người. “Đảng và Nhà nước chưa phát huy tốt vai trò của Nhân dân và công luận trong đấu tranh phòng chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí” - ông Sơn nói. Cần giải pháp đồng bộ thúc đẩy kinh tế Một vấn đề được nhiều cán bộ hưu trí CLB Thăng Long quan tâm là giai đoạn 2011 -2015, Việt Nam đã đạt kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng còn nhiều chỉ tiêu kém xa các nước trong khu vực, nhất là về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người. Dự kiến đến năm 2020, có 10/15 chỉ tiêu không đạt tiêu chí nước công nghiệp, như vậy đến 2020, nước ta có thể không đạt mục tiêu “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, khả năng tụt hậu ngày càng xa các nước trong khu vực, nếu không có những chủ trương biện pháp thật sự quyết liệt. Do đó, Đại hội lần này cần bàn luận và quyết định những giải pháp đồng bộ thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư thương mại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN kinh doanh thuận lợi hơn; cũng như có chính sách kích thích khoa học công nghệ, thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyết đề nghị, trong nội dung “Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Đại hội cần có giải pháp xây dựng và hình thành được một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bằng cách hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ DN để họ yên tâm làm ăn chân chính...
Khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Công Hùng |
Cũng trong sáng 14/10, trong buổi tọa đàm lấy ý kiến văn nghệ sĩ trẻ vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII do T.Ư Đoàn tổ chức, nhiều ý kiến tập trung vào nội dung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; có sự định hướng rõ ràng về sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại…(Hà Phương) |