Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Đề án dự báo cung cầu thị trường lao động quốc gia

Hồng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan liên quan cùng với Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng Đề án dự báo cung cầu thị trường lao động quốc gia, tại buổi làm việc sáng nay 9/2.

Người đứng đầu ngành LĐB&XH băn khoăn khi số liệu về thị trường lao động của Bộ này đang phải dựa nhiều vào kết quả khảo sát từ Tổng cục Thống kê. Về danh nghĩa, ngành LĐTB&XH phải xây dựng, đưa ra dự báo chính thống cập nhật và chính xác về thông tin thị trường cung cầu lao động toàn quốc.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Về vấn đề thông tin việc làm được lấy từ kênh của Tổng cục Tống kê chiếm phần lớn trong các Bản tin thị trường lao động Việt Nam của Bộ LĐTB&XH, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội Đào Quang Vinh đề nghị cần xem xét lại hệ thống chỉ tiêu việc làm về căn cứ và độ tin cậy.  Do cách hiểu còn khác nhau nên ảnh hưởng tới việc báo cáo số liệu việc làm của địa phương.

Nhận định về tầm quan trọng của thông tin cung – cầu thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Cục Việc làm, Tổng cục Dạy nghề và Viện Khoa học lao động kết hợp với Tổng cục Thống kê khẩn trương xây dựng đề án về dự báo cung cầu lao động. Cục Việc làm kết hợp với các cơ quan chuyên môn để làm tốt hơn việc kết nối thông tin giữa DN và người lao động, DN với đào tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc xác định rõ các số liệu chính xác và cập nhật những chỉ tiêu chính của thị trường lao động, dự báo tầm trung và dài hạn. Những số liệu công bố phải có tính quốc gia. Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ đảm nhận công bố số liệu của thị trường lao động.

Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ sử dụng lao động trẻ tuổi đang diễn ra phổ biến. Các DN FDI tuyển lao động gần như không được đào tạo bài bản, đưa vào làm việc ngay và chỉ vài năm sau, không ít lao động có nguy cơ bị đào thải. Lúc đó, người lao động ở tuổi 30 – 35 khó tìm được việc làm thu nhập cao. Nhiều người không có tay nghề phải về nông thôn làm công việc giản đơn, thu nhập thấp. Vì thế, Bộ trưởng Dung đề nghị các cơ quan ngành LĐTB&XH nghiên cứu chính sách ràng buộc DN FDI sử dụng lao động lâu dài.