Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng đề án thành lập khoa kinh tế y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi đến thăm và tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2013-2014 của ĐH Y Hà Nội.

Đây là lần thứ ba về thăm trường, Phó Thủ tướng  vui mừng khi trường có nhiều đổi mới, tiến bộ toàn diện và đạt được những thành tích đáng trân trọng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất.

Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà các thế hệ thầy cô và SV đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, đặc biệt là những năm gần đây. ĐH Y Hà Nội vừa là nơi rèn luyện đào tạo, rèn luyện hàng chục ngàn bác sĩ, tiến sĩ, thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sĩ nội trú từ ngày đất nước thống nhất cho đến nay. Trường vừa là trung tâm nghiên cứu khoa học y tế lớn của cả nước, tập trung đội ngũ 157 GS, PGS; 252 TS và bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 372 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp 1 trong tổng số 1.500 cán bộ, công nhân viên của nhà trường.

 
Phó Thủ tướng tặng Bằng khen và phần thưởng cho 17 tân SV
Phó Thủ tướng tặng Bằng khen và phần thưởng cho 17 tân SV
 Năm học 2009-2010, quy mô đào tạo của trường là 4.654 sv, học viên; 3 năm sau năm học 2012-2013 đã là 6.820 (tăng hơn 46%). Năm 2013, trường tuyển 1.050 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo. Ngành Y đa khoa cao nhất là 27,5 điểm, theo sát nút là  ngành Răng-Hàm-Mặt -27 điểm. Đặc biệt, trường lập kỷ lục có 17 thủ khoa đạt 29, 5 điểm. 
Từ ngôi trường này, các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, phòng bệnh. Nhiều GS, bác sĩ của nhà trường đã được Bộ Y tế bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quan trọng của các bệnh viện, viện nghiên cứu trong cả nước. Điều đó thể hiện đánh giá cao về uy tín, năng lực, trình độ chuyên môn của các thầy cô giáo, sự gắn kết chặt chẽ của nhà trường với thực tiễn xã hội, cơ sở khám chữa bệnh, thực hành y tế trên khắp cả nước góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thực hiện phương châm “Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, giảng dạy lý thuyết với thực hành, giữa nghiên cứu và ứng dụng”.

Theo Phó Thủ tướng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, mà 90 triệu người dân Việt Nam đang mong đợi. Việc xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra, đổi mới thi và đánh giá chất lượng để hoàn thiện giáo trình tài liệu học tập được trường triển khai là đúng hướng và rất cần thiết.  Vì vậy, nhà trường cần có chiến lược phát triển dài hạn đến 2020 và kế hoạch hàng năm phù hợp để chủ động đổi mới vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo quy mô đạo tạo cần thiết.

Bên cạnh việc cần các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ giỏi rất cần đội ngũ quản lý bệnh viện giỏi. Nhà trường phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, các ĐH y tế xem xét xây dựng đề án thành lập khoa Kinh tế y tế và quản trị bệnh viện để đào tạo nhân lực quản lý bệnh viện có trình độ chuyên biệt cao, lãnh đạo hiệu quả. Hơn nữa, các SV ngành y cũng cần được học căn bản về kinh tế y tế và quản trị bệnh viện. Trường có thể đào tạo cử nhân, thạc sĩ y tế về ngành này, bởi tình hình y tế hiện nay đòi hỏi nhiều bác sĩ dược sĩ có chuyên môn tốt đồng thời có đạo đức nghề y tốt.

Cùng với việc mở ngành, các trường y trong cả nước  phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT rà soát và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo và hoạt động thực tiên của SV y dược để ý thức đạo đức nghề y thấm sâu vào trái tim khối óc của SV ngành y mỗi khi ra trường.

Với việc ĐH Y Hà Nội được UBND tỉnh Hà Nam đồng ý giới thiệu khu đất gần 100ha để phát triển cơ sở 2 của trường tại Hà Nam, Phó Thủ tướng cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, nhất là khi ngày càng nhiều SV và học viên muốn học tập tại ngôi trường này nhưng do mặt bằng và hạ tầng của trường quá chật. Trường không thể mở rộng quy mô đào tạo dẫn đến tình trạng thí sinh đạt 27 điểm 3 môn thi vẫn không được vào học tại trường.