Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng điểm dừng đỗ xe khách: Tránh nguy cơ biến thành bến cóc

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng các điểm dừng đón trả khách trên quốc lộ (QL) sẽ góp phần giải quyết vấn nạn “xe dù, bến cóc”. Nhưng nếu không quản lý tốt, giải pháp này rất có thể khiến “xe dù, bến cóc” ngày càng mở rộng.

Nhiều xe buộc phải dừng đón khách dọc đường do trong bến hết chỗ. Ảnh: Quý Nguyễn
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang trong giai đoạn nước rút. Đây là văn bản pháp luật rất được chờ đợi với kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều bất cập trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay.
Hiệu quả kép
Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi là đề xuất bắt buộc phải xây dựng các điểm dừng đón, trả khách cho xe khách, xe buýt chạy tuyến cố định trên các tuyến đường đang khai thác, điển hình là các tuyến QL. Theo đơn vị soạn thảo Dự thảo Luật, điểm dừng đỗ cho xe khách cũng tương tự như điểm ra - vào của xe buýt, kinh phí đầu tư không lớn nên việc xây dựng hoàn toàn khả thi. Trước mắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xem xét ghi vốn cho xây dựng các điểm dừng đỗ trên QL theo hướng chọn những tuyến có lưu lượng vận tải khách công cộng lớn trong kế hoạch bảo trì năm 2021. Còn về lâu dài sẽ tính đến phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa vào công tác đầu tư xây dựng các điểm dừng đón trả khách này để giảm tải cho ngân sách.
Đề xuất bắt buộc xây dựng các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải hành khách công cộng và đặc biệt cho xe khách chạy tuyến cố định được đánh giá sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu để trị vấn nạn “xe dù, bến cóc”. Đánh giá về đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, đây là giải pháp mang lại hiệu quả kép. “Làm được việc này sẽ giải quyết được tình trạng xe dừng, đỗ đón trả khách chiếm hết lòng đường gây mất ATGT. Hơn nữa, khi có các điểm dừng đỗ sẽ dần tạo ý thức cho người dân có nhu cầu đi xe khách là nghĩ ngay tới phải đến các điểm này để đón xe” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói, đồng thời đề nghị khi duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm phải tính toán bổ sung kinh phí cho các điểm dừng đỗ xe cho cả những tuyến đường hiện hữu và tuyến làm mới.
Cẩn trọng hiệu ứng ngược
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, đây là giải pháp hứa hẹn mang đến nhiều tác động tích cực đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định. Nếu đề xuất này được nghiên cứu kỹ, triển khai đúng và toàn diện sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là giải quyết nhiều bất cập của vận tải hành khách đang tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, trước khi áp dụng vào thực tế, các cơ quan thực thi cần phải nghiên cứu và tính toán thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Trong đó, quan trọng nhất là việc lựa chọn địa điểm xây dựng các điểm dừng đón trả khách cũng như công tác quản lý những điểm dừng này sau khi đưa vào sử dụng. “Khi các nhà xe đã được bố trí điểm đón trả khách hợp pháp và đầy đủ trên lộ trình, họ sẽ không phải tổ chức các bến cóc để “chạy dù” nữa. Nhưng nếu quản lý không tốt, “liều thuốc” này hoàn toàn có thể phản tác dụng” – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.
Đối với việc huy động nguồn vốn từ xã hội hóa để xây dựng các điểm dừng đón trả khách cố định trên QL trong tương lai, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, khi chủ trương được triển khai đúng và bài bản, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các DN vận tải. Chỉ cần cho các DN nhìn thấy lợi ích nhãn tiền mà họ sẽ được hưởng từ chủ trương này, họ sẽ nhiệt tình tham gia.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, một trong những điểm hạn chế của mô hình vận tải hành khách bằng tuyến cố định ở Việt Nam hiện nay là việc quá phụ thuộc vào các bến xe. Trên thực tế, đây là mô hình quản lý đã cũ kỹ và lạc hậu nên bộc lộ nhiều bất cập. “Sự bùng phát của các loại hình vận tải hành khách mới như xe Limousine, xe đi chung, xe đưa đón... trong thời gian gần đây đã cho thấy mô hình vận tải hành khách qua bến xe đã không còn tiện lợi nữa và không còn phù hợp với nhu cầu dịch vụ vận tải ngày càng cao của người dân” – TS Nguyễn Hữu Đức phân tích.
Thực tế, người dân vẫn thường chọn bắt xe dọc đường thay vì phải vào tận bến xe, vừa xa xôi, vừa lộn xộn. Theo các chuyên gia, mô hình xây dựng các điểm dừng đón trả khách cố định dọc đường thay vì bắt nhà xe hoạt động tập trung trong các bến xe đã phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Nếu Việt Nam thực hiện tốt điều này, vấn nạn “xe dù bến cóc” hoặc xe hợp đồng trá hình sẽ tự triệt tiêu.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là quỹ đất dành cho việc xây dựng các điểm dừng đỗ xe khách tuyến cố định. Dù diện tích đất cần sử dụng không quá lớn nhưng để có thể chọn được một vị trí thuận lợi là cả vấn đề. Do đó phải có sự nghiên cứu thật kỹ và đặc biệt phải có sự bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, DN vận tải.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

Trên thực tế, nhiều DN vẫn phải dừng đón trả khách trên đường vì trong bến không có khách. Nếu ở nội thành, cứ mỗi 5km và ngoại thành 10km có một điểm dừng đón trả khách sẽ không chỉ lập lại được trật tự trên tuyến, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận tải, giải quyết được nạn "xe dù, bến cóc" dừng đón trả khách tràn lan.

Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải