KTĐT - Phát triển nhà ở theo mô hình chung cư cao tầng, cải tạo hệ thống hạ tầng theo tiêu chuẩn hiện đại là xu thế chung và TP. Hà Nội đang hướng tới. Đây cũng là tiền đề để hình thành các đô thị mang tính liên kết cộng đồng cho toàn vùng và quan trọng hơn là chỉnh trang diện mạo cho đô thị.
Tiến độ còn chậm
Sáng 25/7 vừa qua, Công ty Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 (Bộ Quốc phòng) đã tiến hành khởi công xây dựng khu nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê tại B6 Giảng Võ, quận Ba Đình. Đây là dự án nằm trong chương trình cải tạo chung cư và xây mới của TP. Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một số dự án cải tạo chung cư cũ nguy hiểm được khởi công như nhà I1 - I2 - I3, nhà C1 Thành Công, tại 187 Tây Sơn, Nguyễn Công Trứ. Trước đó là dự án nhà B4, B14 Kim Liên.
Ước tính, toàn thành phố hiện có hơn 70 khu chung cư, tập thể cũ cần được xây dựng lại. Tuy nhiên, mấy năm qua, tiến độ thực hiện cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong quá trình triển khai, các chủ đầu tư gặp nhiều trở ngại khi GPMB. Sau nhiều năm, các chủ đầu tư dự án tại B6 Giảng Võ, 187 Tây Sơn, khu Kim Liên… mới có mặt bằng sạch để thi công, vì người dân thiếu hợp tác. Còn dự án án Cải tạo, xây dựng lại khu Nguyễn Công Trứ giai đoạn I (phá dỡ xây mới nhà A1, A2), đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành GPMB.
Trước tình trạng chậm cải tạo các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB Hà Nội Nguyễn Đức Biền cho rằng, đây là thực trạng nhức nhối cần giải quyết, không thể chậm trễ hơn. Việc thực hiện cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội theo Nghị quyết 34 của Chính phủ quá chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do chính sách. Ông Biền cho hay, có nơi, người dân còn đòi quyền quyết định chọn chủ đầu tư. Nhưng, với số dân còn lại không đồng tình thì xử lý ra sao vẫn chưa rõ ràng. "Tôi cho rằng sau khi đảm bảo lợi ích cho người dân rồi thì dứt khoát phải thực hiện xây dựng lại các khu cũ nát này để cộng đồng có cuộc sống tốt. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì làm sao triển khai được?" - ông Biền nói.
Theo ông Biền, để đẩy nhanh tiến độ, phải xác định được thời hạn sử dụng của từng khu căn hộ, thời điểm nào thì kết thúc sử dụng để xây dựng lại. Chung cư xây dựng mới cần qui định thời hạn sử dụng và người dân bỏ tiền mua căn hộ có thời hạn sử dụng chứ không phải vĩnh viễn.
Cân đối được lợi ích giữa 3 chủ thể
Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định, nguyên nhân của tình trạng chậm cải tạo các khu chung cư cũ hiện nay do mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi. Người dân thì luôn đòi hỏi nhà mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ, hỗ trợ tạm cư. Doanh nghiệp thì không thể làm mà không đạt mức lợi nhuận nhất định.
Mổ xẻ vấn đề này, nhiều nhà đầu tư và những chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi, gây ra sự thiếu hợp tác của người sử dụng nhà khi thực hiện dự án mới là quyền lợi. Việc phân chia lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân chưa đi đến đích mới dẫn đến những trở ngại khi thực hiện.
Những dự án đã và đang tiến hành cải tạo, xây dựng lại đều trải qua rất nhiều cuộc họp với người dân, với các ngành, các cấp để tìm ra phương án tối ưu nhất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Ông Đạm phân tích: Vốn cải tạo chung cư cũ được xác định là xã hội hóa. Ở đây phải cân đối được lợi ích giữa 3 chủ thể (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân). Nếu người dân mà đòi hỏi quá cao thì không thể triển khai được.
Chủ trương xây mới, cải tạo chung cư cũ không chỉ góp phần tăng diện tích sinh hoạt mà còn cải thiện điều kiện hạ tầng cho khu vực đồng thời thay đổi diện mạo cho đô thị. Mặt khác, chủ trương này còn giảm áp lực tăng giá bất động sản, đáp ứng phần nào nhu cầu cải thiện chỗ ở của nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.