Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng lực lượng hiện đại cùng toàn dân phòng cháy chữa cháy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tham gia góp ý kiến phản biện vào Dự thảo chuyên đề “Quy hoạch (QH) tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (QH hệ thống lực lượng PCCC).

Theo dự thảo QH, lực lượng PCCC đến năm 2025 quy mô nâng lên rất lớn cả về đất sử dụng cho cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị. Theo đó, cấp huyện có Phòng PCCC, với cơ sở vật chất diện tích phục vụ huấn luyện từ 5.000 – 10.000m2 (có 100 – 150 cán bộ, chiến sĩ); tương ứng cấp đội PCCC là 1.500m2 đến 2.000m2 (30 – 50 cán bộ, chiến sĩ). Hiện lực lượng PCCC của TP có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ, đến năm 2030 nâng lên 6.500 người, đặc biệt, Hà Nội có lực lượng PCCC và CNCH đường sông, hàng không… và nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, với tổng mức đầu tư (khái toán) cần khoảng 10.000 tỷ đồng…
Xây dựng lực lượng hiện đại cùng toàn dân phòng cháy chữa cháy - Ảnh 1
Góp ý cho QH, TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QH - KT) cho rằng quy mô của QH là có cơ sở, bởi Hà Nội phát triển “chóng mặt” nhà cao tầng. Nhưng TP đã có QH chung xây dựng Thủ đô, cần bám sát vào đó và các QH chuyên ngành để bố trí hệ thống lực lượng PCCC phù hợp, hiệu quả…  Phó GS. TS Trần Gia Vỹ - nguyên Viện trưởng KHCN Nhiệt lạnh – trường Đại học Bách khoa cũng cho biết, ngay các nước phát triển việc tham gia công tác PCCC được cộng đồng tham gia. Ngoài ra, một số nước còn đưa chương trình cho học sinh học phổ thông về PCCC. Bởi vậy, công tác tuyên truyền và tổ chức PCCC tại chỗ là vô cùng quan trọng. Về trang thiết bị, TS Lê Sinh Hồi - Phó Chủ nhiệm khoa thiết bị - Đại học PCCC góp ý, trong cứu hỏa, nước chiếm vai trò quan trọng hàng đầu, xe cứu hỏa chỉ là phương tiện để tăng áp lực đẩy nước chữa cháy. Đề nghị, trong Dự thảo cần QH đầy đủ các họng, trạm nước cho chữa cháy.

Ông Phạm Lợi - nguyên Chủ tịch MTTQ TP cho rằng, Dự thảo cần nêu bật quan điểm, công tác PCCC tại chỗ và đề nghị, công tác PCCC phải huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đồng thời phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC tại chỗ cho người dân nắm được những kiến thức cơ bản. Về khoản đầu tư, một số ý kiến cho rằng, với con số đầu tư lớn, cần phân kỳ đầu tư và tăng cường xã hội hóa đầu tư. Theo đó, ở các Khu công nghiệp và chế xuất, cần lập đội PCCC và yêu cầu các DN ở đó phải đóng góp cho công tác này.