GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời là chủ nhiệm Dự án Văn hóa giao thông đã có cuộc trao đổi rất cởi mở về những vấn đề xung quanh việc đặt nhà ga C9 trên phố Đinh Tiên Hoàng.
Nhiều người cho rằng, việc xây dựng nhà ga C9 sẽ lặp lại câu chuyện làm hỏng không gian Hồ Gươm trước đây của ngôi nhà "Hàm cá mập" hay khách sạn "Hà Nội vàng". Xin Giáo sư cho biết quan điểm về dự án này cũng như vị trí đặt nhà ga C9?
- Tôi cũng chưa biết cụ thể họ sẽ xây dựng như thế nào, nhưng tôi cho rằng xây dựng hệ thống metro (tàu điện ngầm) là văn minh, giải quyết được rất lớn về vấn đề giao thông. Tôi từng sống ở nước ngoài, đã đi metro nhiều. Tôi thấy Nga là nước đi đầu về tàu điện ngầm. Có thể nói metro là một công trình vĩ đại của nước Nga (Liên Xô cũ), giải quyết rất nhiều cho vấn đề an toàn và trật tự đô thị về mặt giao thông. Và tôi cũng luôn ước mơ Hà Nội sẽ có được hệ thống metro, nếu không Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục ùn tắc. Bởi ta thấy rất rõ sự phát triển của đô thị Hà Nội, người càng ngày càng đông, xe càng ngày càng nhiều, nhưng nghịch lý ngược lại là đường càng ngày càng chật. Giữa sự phát triển người và phương tiện ngày càng đông như vậy, đất đai ngày càng chật như vậy, nếu không có những nhà hầm để gửi xe, không có metro thì giao thông Hà Nội còn vất vả lắm. Chỉ có một điều, bây giờ xây dựng như thế nào để không ảnh hưởng tới cảnh quan của thành phố ngàn năm tuổi. Muốn đào sâu tới đâu, muốn chạy tới đâu, nhất thiết phải gắn với việc bảo vệ cho văn hóa, cho di sản.
Nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ đặt trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Trung Chính
Mặc dù tuyến tàu điện ngầm, nhà ga C9 được xây dựng ngầm nhưng vẫn có một số hạng mục nổi như lối lên xuống, tháp làm lạnh, thông gió. Đã từng đi nhiều nơi và đã biết đến những công trình metro của nhiều nước trên thế giới, theo GS có giải pháp để các hạng mục này không ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực mang tầm vóc di sản như Hồ Gươm?
- Metro nào cũng phải có nhà ga. Quan điểm của tôi vẫn là phải tìm điểm nào không ảnh hưởng tới di sản để xây dựng. Ở Nga người ta phải đi khá xa mới lên được metro, là bởi lý do này. Thời gian sống ở bên đó, chúng tôi có lúc phải đi xe điện, cũng có khi phải đi bộ một đoạn đường rất dài mới đến được nhà ga tàu điện ngầm, là bởi vì nhà ga phải xây dựng ở đó mới không ảnh hưởng tới cảnh quan, di sản thành phố.
Nhìn ở góc độ văn hóa, nếu nhà ga đặt tại khu vực Hồ Gươm mà là một công trình văn hóa thì còn làm đẹp cho cảnh quan khu vực này. Điển hình là ở Nga, mỗi nhà ga là một công trình văn hóa, một công trình mỹ thuật, tất cả mọi người đều ngắm nhìn nó. Điều cốt lõi là không ảnh hưởng tới di sản và kiến trúc phù hợp với không gian Hồ Gươm, với phong cách Hà Nội. Đấy là công việc của các nhà làm kiến trúc, quy hoạch Hà Nội.
Giáo sư có nhắc tới vấn đề nhà ga C9 nên mang phong cách Hà Nội?
- Vẫn là câu chuyện liên quan đến di sản của thành phố ngàn năm tuổi thôi! Sẽ không ảnh hưởng tới di sản khi có sự hài hòa giữa công trình cũ và mới, mà cụ thể ở đây công trình này sẽ rất gần với khu phố cổ Hà Nội, với Hồ Gươm… Tôi xin kể câu chuyện về Chùa Một Cột, có thể nói là một hình ảnh "rất Hà Nội". Cách đây khoảng hai tuần, ông Đại sứ Rumani, người đã sống ở Hà Nội 17 năm và rất yêu Hà Nội, đến nhà và yêu cầu tôi nhờ một ai đó vẽ cho ông một bản thiết kế Chùa Một Cột để ông mang về Rumani xây dựng, bởi đây là một biểu trưng rất độc đáo của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Hay khi tôi sang Seoul, bước vào Đại sứ quán của Việt Nam tại đây, thì thấy bên cạnh cũng có xây một công trình Chùa Một Cột. Hóa ra, người xây dựng công trình này trước đây là người Việt Nam, họ muốn nhìn vào đây để nhớ về quê hương… Hình ảnh mang phong cách Hà Nội rất quan trọng để người ta nhớ, ấn tượng về Thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Nói thế để thấy việc xây dựng ga tàu điện ngầm cũng nên gắn liền với văn hóa, phong cách Hà Nội. Vậy làm thế nào đây để dung hòa giữa cái cũ và cái mới - đó là vấn đề cần lưu ý!
Trong mấy năm gần đây, rất nhiều ý kiến muốn phục hồi lại tàu điện, vì ở Thủ đô tất cả các nước đều có tàu điện, Matxcova cũng có tàu điện, còn ta thì từng có tàu điện, nhưng đã phá đi để lại nhiều tiếc nuối?
- Người Hà Nội được chứng kiến tàu điện, giờ ai cũng vương vấn trong đầu hình ảnh tàu điện cứ chạy trong tiếng hát xẩm nỉ non. Nhưng điều nhìn thấy rất rõ là bây giờ không thể phục hồi một chuyến tàu chạy từ Hàng Bài - phố Huế xuống tới Bạch Mai được nữa. Sự phát triển của đô thị, đường sá chật chội là vậy, không còn thích hợp với tàu điện trước đây, mà cần xây dựng metro. Song tôi nghĩ, vẫn nên tìm đoạn nào đó để phục hồi tàu điện. Không thể chạy quanh Bờ Hồ như ai đó nói, nhưng cần có một đoạn nào đó chạy về ngoại vi như ra đường Hoàng Hoa Thám, hay về khu Lạc Long Quân… Nghĩa là phục hồi để gìn giữ, bảo tồn, phục vụ du lịch, chứ không đề cao mục đích phương tiện giao thông.
Xin cảm ơn Giáo sư!