Đó là nội dung được nhấn mạnh trong kết luận chính thức của Thường trực HĐND TP sau phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội.Thường trực HĐND TP đề nghị đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về nội dung của 2 bộ quy tắc này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với mỗi Quy tắc phải có các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Đối với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, các cơ quan cần niêm yết công khai, lồng ghép nội dung của Quy tắc vào sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ, tổ chức các hội thi tìm hiểu, thiết kế mẫu bảng...Đối với quy tắc ứng xử nơi công cộng, đề nghị niêm yết công khai tại các địa điểm tuyên truyền công cộng, các bảng tin của các tổ dân phố, hệ thống loa truyền thanh... để mọi người dân hiểu, chấp hành và làm theo. Công tác tuyên truyền cần gắn với thực hiện xây dựng các mô hình văn hóa ngay từ trong gia đình, tổ dân phố, thôn. Cần xây dựng đề án, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cấp, ngành thực hiện tập trung vào những nơi trọng điểm dễ xảy ra tinh trạng ứng xử thiếu văn hóa như các khu chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, bến xe... Đồng thời có đề án riêng về công tác tuyên truyền về văn hóa, ứng xử của người dân khi tham gia giao thông.Cùng với đó, xây dựng những mô hình phù hợp cho việc triển khai 2 quy tắc trong từng cơ quan, đoàn thể, tổ dân phố, nhằm tạo ra sự chuyển biến nhận thức, từ đó rèn luyện bản thân mình từ việc nhỏ nhất là ứng xử văn hóa với nhau ở mọi nơi mọi lúc để các quy tắc ứng xử dần trở nên quen thuộc và định hướng cho thái độ, hành vi, ứng xử của mỗi cán bộ, công chức và người dân Thủ đô…Thường trực HĐND TP cũng nhấn mạnh việc tiếp tục chấn chỉnh lề lối làm việc, đạo đức tác phong, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, công chức thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc, thủ tục hành chính với người dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp phải vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện; kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy tắc ứng xử...