Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng một Chính phủ sáng tạo và tinh gọn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/11, Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền...

Kinhtedothi - Chiều 3/11, Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần đầu tiên được trình ra Quốc hội. Hai Dự Luật này sẽ được các ĐB thảo luận tại tổ vào ngày 7/11 trước khi thảo luận tại hội trường.

Phải khắc phục dồn trách nhiệm lên Thủ tướng

Theo Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, đã cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Đồng thời quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất…

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến chế định Thủ tướng Chính phủ. Bởi theo quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp, trách nhiệm báo cáo trước Nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, cần quy định rõ những trường hợp nào thì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ.

 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Doãn Tấn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Tờ trình về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Doãn Tấn
Ngoài ra, cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ như trong thời gian qua. Cân nhắc các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ T.Ư đến địa phương, quyết định tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức…

Hai phương án cho mô hình tổ chức chính quyền địa phương  

Thẩm tra Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa T.Ư và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Do vậy, việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (phương án 1 là không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường; phương án 2 là tổ chức HĐND tại tất cả các cấp) là cần thiết, nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý nhấn mạnh: Trong trường hợp tổ chức "cấp chính quyền địa phương" gồm HĐND và UBND tại đơn vị hành chính, Dự Luật phải làm rõ mối quan hệ giữa HĐND và UBND cùng cấp để thể hiện sự gắn kết, thống nhất giữa các cơ quan này dưới một hình thức mới là cấp chính quyền địa phương. Trường hợp không tổ chức cấp chính quyền ở đơn vị hành chính như quận, phường theo phương án 1 cũng cần làm rõ tính chất, tên gọi của cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính này và mối quan hệ của cơ quan này với chính quyền địa phương cấp trên.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ những điểm chung và riêng về tính chất, đặc điểm của địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo để xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp. Tuy nhiên, cũng không nên chỉ chú trọng vào những khác biệt trong mô hình tổ chức mà quan trọng hơn là phải làm rõ được sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở mỗi địa bàn khác nhau để chính quyền địa phương ở mỗi nơi đều có thể đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của địa phương mình.

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình và thẩm tra Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Luật Thú y.
Đề nghị giữ HĐND các cấp
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 3/11, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng nên cân nhắc việc không tổ chức và nên giữ HĐND cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Bởi lẽ ở đâu có chính quyền thì nên có cơ quan giám sát, nếu bỏ ở các cấp này đi thì ĐB HĐND cấp tỉnh, TP sẽ rất khó với tới cơ sở. Còn về HĐND khu vực này thì bên cạnh công tác tổ chức, phải coi trọng lựa chọn nhân sự thế nào để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Ông Chu Sơn Hà kiến nghị, bên cạnh những quy định chung, cần tính toán xây dựng bộ máy thế nào cho phù hợp giữa nông thôn và đô thị bởi mỗi nơi có đặc thù riêng. (Phương Lâm ghi)