Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Nghị định quản lý thương mại điện tử: Tiện lợi nhưng phải rạch ròi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Muốn triệt tiêu được những hành vi lợi dụng kiếm lời bất chính thông qua thương mại điện tử (TMĐT), phải xây dựng được hành lang pháp lý chặt chẽ, sát với thực tế, đó là ý kiến của đa số đại biểu khi góp ý cho dự thảo Nghị định về TMĐT.

Luật “mỏng”, doanh nghiệp dễ lợi dụng

Luật Giao dịch điện tử đã được xây dựng và có hiệu lực từ năm 2005, tuy nhiên các Nghị định quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh TMĐT cho các doanh nghiệp lại chưa được xây dựng một cách đầy đủ, sát với thực tế. Lợi dụng kẽ hở này nhiều doanh nghiệp đã lấy danh nghĩa TMĐT để kinh doanh đa cấp, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển TMĐT ở Việt Nam.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), chỉ riêng trường hợp MB 24, sau 1 năm hoạt động, công ty này đã lôi kéo được hàng chục ngàn người tham gia, với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 600 tỷ đồng. Điều đáng quan ngại hơn là hiện nay không chỉ có MB 24 mới núp bóng TMĐT nhằm kinh doanh đa cấp mà vẫn còn tới hơn 40 tổ chức, công ty tương tự như MB24 vẫn hoạt động trên sàn thương mại điện tử.

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT (Bộ Công Thương), sau khi Luật Giao dịch ra đời, Chính phủ cũng đã có NĐ57/2006/NĐ-CP để quản lý các doanh nghiệp tham gia TMĐT, nhưng trong Nghị định này không có những quy định cụ thể trong quản lý mô hình kinh doanh đa cấp; Chưa có chế tài xử lý những hành vi sai phạm trong kinh doanh TMĐT, đây là "lỗ hổng" mà một số doanh nghiệp lợi dụng để kinh doanh đa cấp lợi dụng lừa đảo người tiêu dùng như MB 24.

Xây dựng Nghị định quản lý thương mại điện tử: Tiện lợi nhưng phải rạch ròi - Ảnh 1

Hoạt động thương mại điện tử cần được quản lý chặt chẽ hơn.

Cần sát thực tế hơn?

Nhằm khắc phục những bất cập này, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định mới về TMĐT thay thế cho Nghị định 57. Theo Dự thảo TMĐT lần này, bên cạnh định hướng phát triển chung và dài hạn còn đề cập đến việc bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia TMĐT, trách nhiệm người bán hàng trên sàn TMĐT…

Mặc dù đã có nhiều cải tiến so với Nghị định cũ nhưng bà Hồ Thúy Ngọc, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng: Dự thảo Nghị định mới chỉ giới hạn những quy định trong phạm vi đặt hàng trực tuyến, chưa có quy định về mua hàng trực tuyến, đây là thiếu sót cần phải bổ sung.

Liên quan đến vấn đề thanh toán điện tử, luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Một trong những vi phạm phổ biến trong TMĐT là vi phạm hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, Dự thảo không hề đề cập đến các hành vi này cũng như trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ phận quản lý TMĐT.

Những thắc mắc này cho thấy, muốn Nghị định mới sát với thực tế đòi hỏi Bộ Công Thương cần bổ sung vào Nghị định các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng trong TMĐT theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, và các vi phạm liên quan đến thanh toán qua Internet Banking...

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường không chỉ giám sát các hành vi kinh doanh, buôn bán trên thị trường truyền thống mà còn phải có trách nhiệm quản lý thị trường trên môi trường mạng; Chú trọng hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia TMĐT bằng cách quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc cung cấp thông tin, giao kết và thực hiện hợp đồng với người mua hàng hóa, dịch vụ.