Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện hoạt động định danh và xác thực điện tử.

Nội dung Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 11/3/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Đề án 06.

Sắp có quy định về định danh và xác thực điện tử. Ảnh minh họa
Sắp có quy định về định danh và xác thực điện tử. Ảnh minh họa

Trong đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, khẩn trương rà soát các nội dung đầu tư của dự án công nghệ thông tin đã, đang và sẽ đầu tư liên quan đến sử dụng thông tin dân cư để bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kinh phí để tập trung nguồn lực cho Đề án này.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thống nhất phạm vi, cách thức tiến hành rà soát, đề cương, biểu mẫu một cách cụ thể, rõ ràng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi bổ sung trong tháng 4 năm 2022.

Trước mắt, tập trung hoàn thiện 2 văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử đã được đăng lấy ý kiến tham gia của tổ chức, cá nhân từ ngày 24/01/2022 đến 24/3/2022 trên Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Ngày 18/03/2022, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Để Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, Bộ Công an cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau trong quá trình xây dựng dự thảo.

Trước đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/7/2021. Đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử.

Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất, chỉ cung cấp một danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu khác.

Ngày 8/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, những quy định tại Quyết định này chưa cụ thể, rõ ràng nên yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể các nội dung liên quan về định danh và xác thực điện tử.