Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho rau an toàn Tiền Lệ

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức với vùng đất bãi ven sông Đáy màu mỡ là một trong những vùng chuyên canh rau lớn của Hà Nội.

Sản phẩm rau an toàn Tiền Lệ đã bước đầu được một số DN tìm đến đặt hàng, song do chưa có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nên vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Đầu ra không ổn định
Dọc đê sông Đáy đoạn qua địa phận thôn Tiền Lệ, hình ảnh quen thuộc là cánh đồng rau xanh mướt với đủ loại từ rau ăn lá  tới rau ăn củ, quả... Trong đó nổi bật là khu nhà lưới trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống lưới che, khung cột bằng bê tông và biển báo đầy đủ. Trong khu nhà lưới, hàng chục nông dân đang miệt mài làm việc. Chị Nguyễn Thị Mậu, thôn Tiền Lệ có 4 sào rau cho biết, mỗi năm gia đình chị trồng 6 – 7 lứa rau, chủng loại rau tùy theo mùa. Trước đây, lượng rau làm ra chủ yếu bán ra thị trường tự do, nhưng gần đây đã được Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Liên Anh thu mua một phần. “Tuy nhiên, có thời điểm công ty chốt giá theo tuần, có thời điểm chốt giá ngày theo giá thị trường nên đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định” – chị Mậu chia sẻ.
Thời gian gần đây, người trồng rau Tiền Lệ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có mô hình nhà lưới và tưới tiết kiệm. HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, UBND xã Tiền Yên cũng thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất rau theo quy trình an toàn, VietGAP cho bà con nông dân. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của người dân là đầu ra cho sản phẩm vẫn còn “tắc”. Ông Nguyễn Khắc Đạo, thôn Tiền Lệ trồng 7 sào rau cho biết, các công ty mới chỉ mua được 10% lượng rau, còn lại gia đình vẫn phải tự tìm mối tiêu thụ. Điều đáng nói, dù rau an toàn Tiền Lệ được sản xuất và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng khi DN thu mua, bán ra ngoài chủ yếu vẫn dưới tên của đơn vị phân phối, chỉ có một số ít nhà DN phân phối đưa tên vùng sản xuất.
Theo thống kê của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, toàn HTX có hơn 30ha trồng rau theo quy trình VietGAP, trong đó 2,5ha trồng trong nhà lưới. Do thâm canh tốt, mỗi năm nông dân có thể sản xuất từ 6 – 8 vụ rau, chủ yếu là rau ăn lá các loại với sản lượng 3.000 – 4.000 tấn. Cũng vì chưa có thương hiệu, nhãn hiệu nên đầu ra cho sản phẩm rau VietGAP của thôn Tiền Lệ chưa thực sự ổn định. Tính chung toàn HTX, hiện lượng rau được đưa vào các kênh siêu thị mới chiếm khoảng 30%, còn lại người dân vẫn phải mang ra chợ đầu mối tiêu thụ nên thường bị ép giá.
Kỳ vọng một thương hiệu
Ông Nguyễn Văn Hào – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, sản xuất rau an toàn đang là hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Theo tính toán, bình quân giá trị canh tác từ sản xuất rau an toàn đạt 800 triệu đồng/ha. Điều đáng mừng là bà con nông dân đã tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất rau an toàn, rau VietGAP được tập huấn. Hơn nữa, qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng, các mẫu đất, nước của vùng trồng rau Tiền Lệ đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đã ảnh hưởng không nhỏ tới đầu ra cũng như hiệu quả sản xuất của người dân. “Đây là một trong những trăn trở lớn nhất của địa phương khi triển khai phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa” – ông Hào cho biết.
 Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Tiền Lệ. Ảnh: Quang Thiện
Hiện, toàn HTX Nông nghiệp Tiền Lệ có khoảng 700 thành viên, bình quân diện tích canh tác của mỗi hộ dân không cao. Do đó, nếu không chung tay xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, rau an toàn Tiền Lệ khó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trước thực trạng này, năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tiền Lệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau an toàn. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với một số đơn vị tư vấn tổ chức các buổi tập huấn về nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho bà con nông dân. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Từ đó có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về sản xuất rau an toàn.
Một trong những cơ sở quan trọng để Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ HTX Tiền Lệ xây dựng nhãn hiệu tập thể chính là vì vùng sản xuất rau này đã được Chi cục Bảo vệ thực vật chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, sơ chế rau. Bên cạnh đó, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt cho 2 vùng rau diện tích 31ha với sản lượng hơn 3.000 tấn và 2,5ha với sản lượng gần 160 tấn/năm cho HTX Nông nghiệp Tiền Lệ. Ngoài hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội còn tổ chức nhiều đoàn người tiêu dùng tới thăm thực tế và mua sản phẩm tại vùng rau an toàn Tiền Lệ.
Thời gian qua, rau an toàn Tiền Lệ cũng có mặt tại một số hội chợ, triển lãm và được một số DN tìm đến đặt đầu mối thu mua, song số lượng còn hạn chế. Nhiều nông dân Tiền Lệ chia sẻ, họ luôn mong muốn sản phẩm rau an toàn của địa phương có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể để ngày càng có nhiều người tiêu dùng, khách hàng biết đến. Tuy nhiên, thương hiệu, nhãn hiệu chỉ thực sự có giá trị khi DN liên kết với nông dân để hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững.