NTM không phải một “cuộc đua”
Thực hiện NQ 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã có QĐ 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Trước đó, Bộ 19 tiêu chí quốc gia về NTM cũng được ban hành. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, nếu Bộ 19 tiêu chí được áp dụng trên cả nước sẽ tạo áp lực cho nhiều địa phương, nhất là các xã miền múi, vùng sâu, vùng xa.
Ông Steven Jaffe, Trưởng ban Điều phối nông thôn, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, 19 tiêu chí quốc gia đã đặt các địa phương vào một “cuộc đua” chạy về đích. Tuy nhiên, xuất phát điểm của từng địa phương khác nhau, đặc điểm về dân số, điều kiện kinh tế - xã hội cũng khác nhau nên để về được cái đích chung đó rất khó khăn. Chẳng hạn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 tại một số tỉnh như Hà Giang, Lai Châu còn rất cao, lên tới 50% trong khi ở nhiều nơi như Vũng Tàu, Long An chỉ khoảng 6 - 7%. “Có những vùng có thế mạnh phát triển nhanh nhưng có những vùng chậm phát triển. Nếu đặt vào cuộc đua chung liệu những địa phương kia có thực hiện được không” - ông Steven Jaffee bày tỏ. Do đó, cần tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng, từng địa phương để vạch ra định hướng phát triển cho phù hợp.
Bà Yuriko Shoji, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, xây dựng NTM ở Việt Nam đang gặp phải một số nút thắt, do hầu hết các lãnh đạo địa phương có kiến thức và nhận thức hạn chế. Cùng với đó, mức độ đầu tư cho nông thôn còn thấp và thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển riêng cho các khu vực dân cư khác nhau. Vì vậy, cần phân loại 19 tiêu chí theo cấp độ tác động, mục tiêu và đầu ra, để đảm bảo các địa phương đều có bước tiến rõ rệt so với xuất phát điểm.
Hỗ trợ đến tay nông dân
Người nông dân được coi là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Xác định vai trò đó, trong phong trào làng mới (Saemaul) của Hàn Quốc, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “nơi nào làm tốt được hỗ trợ nhiều”. Ông Edward P.Reed, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng trong quá trình xây dựng NTM, như tỷ lệ lao động, thu nhập bình quân đầu người và cơ sở hạ tầng... Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp đến tận tay người dân. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ thích đáng hơn nữa cho khu vực kinh tế nông nghiệp, để người dân yên tâm sản xuất và các doanh nghiệp cũng cảm thấy môi trường nông nghiệp đủ an toàn và ổn định để đầu tư lâu dài.
Ngay trong khu vực ASEAN, Malaysia đã xác định nông nghiệp là một trong 12 lĩnh vực kinh tế trọng điểm cấp quốc gia được ưu tiên đầu tư công và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên đầu vào cho 16 dự án chuyển dịch khu vực nông nghiệp trọng điểm như: Sản xuất tổ yến, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa… Hay tại Pháp, với 22,8 triệu dân cư nông thôn, các chương trình phát triển nông thôn cũng nhận được sự ưu tiên từ Chính phủ. Ông Bruno Vindel, Cơ quan phát triển Pháp (ADF) cho biết, người nông dân, nhất là nhóm nông dân trẻ tuổi nhận được sự hỗ trợ từ việc đào tạo kỹ năng sản xuất, quản lý đất đai, bảo quan sau thu hoạch… nhằm đa dạng hóa kinh tế nông thôn và cải thiện thu nhập.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa đánh giá, sau 2 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã bộc lộ một số khó khăn như vấn đề nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, vấn đề đầu tư, quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề dồn điền đổi thửa, quy hoạch sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập.