Tuy nhiên, hiện nay, các nhà trường gặp không ít rào cản trong việc giữ và nâng CQG, nhất là vấn đề kinh phí, cơ sở vật chất và sĩ số học sinh (HS)/lớp.
Đạt, vượt chỉ tiêu
Năm 2016, chỉ tiêu TP đặt ra là xây dựng thêm 75 trường đạt CQG, trong đó có 33 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 20 trường THCS, 5 trường THPT. Song, Hà Nội đã vượt mức kế hoạch đề ra với 103/75 trường đạt chuẩn (137%). Trong đó, bậc mầm non đạt 49/33 (148%), tiểu học 24/17 (141%), THCS 22/20 (120%) và THPT 6/5 (120%). Huyện Phúc Thọ có thêm 5 trường đạt chuẩn (vượt 2 trường), quận Long Biên có thêm 5 trường (vượt 1 trường), quận Bắc Từ Liêm thêm 2 trường (vượt 1 trường), quận Hà Đông cũng có thêm 2 trường (vượt 1 trường)...
Ông Nguyễn Viết Cẩn – Trưởng phòng Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chỉ tiêu TP giao xây dựng trường đạt CQG đến năm 2020 đạt từ 65 - 70%. Nếu phấn đấu mỗi năm đạt 80 – 100 trường thì đến năm 2020 sẽ có gần 500 trường đạt CQG. “Nhiều năm trở lại đây, công tác xây dựng trường CQG luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT Hà Nội, đây cũng là nội dung đã nhận được sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhờ vậy, đến thời điểm này, Hà Nội đã có hơn 1.100 trường đạt CQG, trong đó tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 57%” – ông Cẩn khẳng định.
Vẫn không bắt kịp tốc độ tăng dân số
Dù kết quả tổng hợp là một con số đẹp, dù có những quận, huyện "về đích" trước thời hạn, song không phải không có những đơn vị "hụt định mức" xây dựng trường CQG, không có thêm trường nào đạt chuẩn trong năm 2016. Lý do lớn nhất mà các địa phương than thở vẫn là thiếu đất và kinh phí.
Ông Lưu Luyến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên không giấu việc thu ngân sách của huyện rất khó khăn. Tổng thu ngân sách ít, số tiền cần chi lại lớn nên phải phụ thuộc vào TP. Trong công tác xây dựng trường CQG, mặc dù là một trong 6 huyện được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng huyện vẫn khó về kinh phí. Để có 50% số trường đạt CQG, huyện phải có ít nhất 45 trường đạt chuẩn trong khi hiện nay toàn huyện mới có 22 trường chuẩn.
Tương tự, huyện Ba Vì có hơn 100 trường nhưng mới chỉ có 32 trường đạt chuẩn. Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập đầu người thấp, chủ yếu nhờ đầu tư của TP. Thêm vào đó, công tác xây dựng trường chuẩn của huyện hiện nay lại phải “gánh” thêm 15 trường đạt chuẩn từ năm 2008 về trước, cơ sở đã xuống cấp. Cả huyện hiện vẫn còn tới 300 phòng học cấp 4 xuống cấp. Huyện Mỹ Đức cũng đang gặp phải vấn đề tương tự.
Ngay như huyện Thanh Trì - một trong những địa phương dẫn đầu TP trong công tác xây dựng trường CQG hiện nay với tỷ lệ 78,5% số trường đạt chuẩn, cũng không phải đã "xuôi chèo mát mái". Huyện cũng đang gặp khó trong việc tăng số trường đạt chuẩn. Nguyên nhân được lãnh đạo huyện bày tỏ là do huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, mặc dù đã dự báo tình hình, tính mức độ tăng dân số tự nhiên, cơ học nhưng xây dựng trường sau 5 năm là quá tải.
Trong khi các huyện ngoại thành thiếu kinh phí thì một số quận lõi, quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh lại đối mặt với đà tăng dân số. Tại khu vực nội thành khá nhiều trường đạt CQG nhưng sĩ số HS/lớp tăng vượt mức quy định (Theo quy định, cấp tiểu học không quá 35 HS/lớp, THCS và THPT không quá 45 HS/lớp). Như trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng), THCS Mai Động và Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai), Tiểu học Khương Thượng, Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa)…, nhiều lớp sĩ số trên 50 HS.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, năm 2016, quận đầu tư 23 tỷ đồng cho trang thiết bị, xây thêm 6 trường mới, đều theo hướng đạt chuẩn. Nhưng quận còn một số trường khó công nhận đạt chuẩn vì sĩ số đông. Là bởi Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ HS trung bình tăng từ 4.000 - 5.000 HS/năm học. Dù đã cố gắng phân tuyến tuyển sinh khoa học, hợp lý nhưng đây vẫn là một bài toán khó. Là một trong 4 quận lõi của Thủ đô nhưng tiến độ xây dựng trường chuẩn của Ba Đình khá chậm, do thiếu diện tích, sĩ số HS/lớp cao. Chính vì vậy, Ba Đình hiện còn tới 10 trường chưa được công nhận lại chuẩn. Áp lực sĩ số là vấn đề mà hầu hết các trường của Ba Đình gặp phải, không chỉ các trường cần được công nhận lại chuẩn.
Cũng vì những rào cản này mà lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội thừa nhận, dù vượt kế hoạch xây dựng trường đạt CQG, nhưng vấn đề lo nhất là giữ chuẩn. “Hiện, chúng tôi đã đề xuất TP di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành, dành quỹ đất xây dựng trường học. Đối với một số huyện khó khăn, TP có cơ chế đặc thù. Với các khu đô thị mới, dứt khoát phải xây dựng trường công lập. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên cho phép một số trường, quận có điều kiện nâng tầng, thêm phòng học, có thang máy. Tầng 1 làm sân chơi, tầng 2, 3, 4 là phòng học” – ông Cẩn cho hay.