Thế nhưng, vụ việc cô giáo bắt học sinh quỳ gối trong lớp tại trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) mới xảy ra vô tình làm xấu đi hình ảnh của trường học hạnh phúc.3 tiêu chí cốt lõiBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, theo các nhà nghiên cứu cũng như kinh nghiệm một số nước trên thế giới, trường học hạnh phúc có tới 21 tiêu chí. Song, theo Bộ trưởng, trong số đó có 3 tiêu chí quan trọng nhất có tính cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Nhấn mạnh về yếu tố an toàn, Bộ trưởng cho rằng, trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Học sinh và giáo viên phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường cảm giác như là ở nhà. Trong vụ việc tại trường THCS Tô Hiệu, mặc dù cô giáo Lê Thị Q. - giáo viên có hành vi bắt học sinh quỳ đã bị tạm đình chỉ công tác, cô giáo Q. cũng giải thích việc làm này được sự đồng ý của một số phụ huynh nhưng đây là một hành vi không đúng với quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên. Chiếu theo những tiêu chí của trường học hạnh phúc, việc làm này không chỉ “phạm” vào tiêu chí an toàn mà còn làm giảm đi sự yêu thương và tính tôn trọng giữa thầy và trò.Qua khảo sát học sinh một số trường khối THPT trên địa bàn Hà Nội, mức độ hạnh phúc của học sinh khi ở trường học phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, áp lực thi cử, vấn đề cơ sở vật chất ở trường tác động khá nhiều đến cảm nhận hạnh phúc của học sinh. Gần đây, một nhóm nghiên cứu của Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khảo sát 253 học sinh THPT về cảm nhận hạnh phúc ở trường học. Kết quả cho thấy, cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh được khảo sát ở mức dưới trung bình. Trong các khía cạnh được khảo sát, phần lớn các em chỉ hài lòng nhất với các mối quan hệ ở trường học.Nhiều ý tưởng hayTại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), việc xây dựng trường học hạnh phúc được cụ thể từ việc xây dựng tiết học hạnh phúc. Một giáo viên dạy Toán trong trường chia sẻ, nếu quan niệm quá lớn, quá nhiều tiêu chí về "hạnh phúc" sẽ khó lòng làm được. Thầy giáo này nghiệm ra hạnh phúc không phải điều gì lớn quá mà là những việc nhỏ giản dị. Đơn cử như việc làm sao để trong giờ học Toán của mình học sinh càng ít áp lực càng tốt. Trong tiết học, thầy cô không nên chỉ dồn tâm vào nhóm học sinh khá giỏi, cũng không nên chăm chăm chú ý đến những em quá yếu, hãy để ý đến những học sinh từng yếu kém nhưng đang có những thay đổi rất nhỏ và phải khích lệ sự thay đổi đó.Với cô giáo Hà Thu Hiền - trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội), việc thay đổi không khí lớp học, giảm căng thẳng và áp lực cho học sinh là một cách để xây dựng trường học hạnh phúc. “Tôi đã học cách chấp nhận có những lỗi sai của học trò và sẽ kiên nhẫn, tận tình hướng dẫn các em cách sửa sai thay vì cáu giận. Tôi cũng đã học cách lắng nghe vì nhờ đó tôi mới hiểu các học trò của mình, mới có thể giúp các em một cách hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, tôi đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài, hay một câu nói hồn nhiên, một biểu cảm yêu thương từ các em” - cô Hiền chia sẻ. Sau nhiều trải nghiệm trong nghề, cô Hiền xác định, ngoài việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương hiểu biết lẫn nhau giữa cô và trò thì giáo viên cũng phải không ngừng tự tìm tòi, tự bồi dưỡng chuyên môn để ngày càng có nhiều tiết học tốt, thu hút được học trò.Còn cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương - trường THCS Thăng Long (Hà Nội) nhận ra rằng mình phải có nhiều câu nói tích cực hơn để khuyến khích học sinh và phải biết chấp nhận sự khác biệt của học trò. “Tôi không bắt lũ trẻ phải học giỏi toàn diện vì tôi biết nhân vô thập toàn. Tôi giúp chúng tìm và phát huy thế mạnh của mình. Con đường xây dựng trường học hạnh phúc không hề đơn giản. Nhưng với khát khao thay đổi tự thân của mỗi giáo viên thì tất cả chúng ta sẽ làm được” - cô Lương nhấn mạnh.