Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ nhận thức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều cuộc vận động về đảm bảo an toàn giao thông như: Xây dựng văn hóa giao thông, tháng an toàn giao thông … được phát động rộng khắp cả nước...

KTĐT - Nhiều cuộc vận động về đảm bảo an toàn giao thông như: Xây dựng văn hóa giao thông, tháng an toàn giao thông … được phát động rộng khắp cả nước; các chế tài xử phạt hành vi vi phạm giao thông được áp dụng nghiêm khắc… nhưng số vụ tai nạn giao thông vẫn không được kiềm chế một cách bền vững.

Xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ nhận thức, một điều tưởng đơn giản nhưng trong thực tế, để thực hiện được lại không hề đơn giản.   

Tai nạn giao thông ở nước ta luôn là nỗi lo, là mối quan tâm thường trực của ngành chức năng, của những người tham gia giao thông.

Nhiều cuộc vận động về đảm bảo an toàn giao thông như: Xây dựng văn hóa giao thông, tháng an toàn giao thông … được phát động rộng khắp cả nước; các chế tài xử phạt hành vi vi phạm giao thông được áp dụng nghiêm khắc… nhưng số vụ tai nạn giao thông vẫn không được kiềm chế một cách bền vững.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2010, cả nước đã xảy ra 18.000 vụ va chạm giao thông, làm hơn 18.000 người bị thương; trong đó hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông làm chết 5.500 người.

Tai nạn giao thông tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng cao hơn gấp nhiều lần số người chết vì những đại dịch nguy hiểm khác. Đây là mối lo ngại sâu sắc không chỉ của các cơ quan chức năng mà của toàn xã hội.

Một thực trạng đáng báo động là đa số những người bị tai nạn giao thông đều bắt nguồn từ sự bất cẩn và ý thức tham gia giao thông kém.

Nhiều thống kê cho thấy, lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chủ yếu vẫn là đi không đúng phần đường, làn đường; phóng nhanh, vượt ẩu; không đội hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng qui cách; chở quá số người qui định và trong số đó, nguyên nhân người tham gia giao thông uống rượu bia cũng còn rất nhiều…

Làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về luật giao thông, cải thiện thái độ ứng xử văn minh trong văn hoá giao thông đã được các cấp, các ngành quan tâm sâu sắc.

Sáng ngày 29/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc gia Văn hóa giao thông nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc đảm bảo văn hoá giao thông với thông điệp: “Đưa văn hoá giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hoá nghệ thuật”. Hội thảo do Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia cùng với Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam phối hợp thực hiện.

Trong Hội thảo, đại biểu các bộ, ban, ngành và anh chị em văn nghệ sĩ đã đưa ra những cái nhìn đa chiều trong sự hình thành và phát triển tư duy văn hoá giao thông của người Việt như: “Những trăn trở về vấn đề an toàn giao thông” của nhà văn - tiến sĩ Phạm Việt Long; “Tuổi trẻ với văn hoá giao thông” của tác giả Thu Hà; “Văn hoá giao thông - một góc nhìn” của nhà báo - đại tá Lê Anh Dũng; “Thói quen và văn hoá giao thông” của nhà văn Thái Bá Lợi...

Qua đó, các đại biểu đề xuất nhiều kiến giải giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý thức chấp hành pháp luật giao thông để hạn  chế tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Các đại biểu đều nhất trí với quan điểm: Muốn giảm thiểu tai nạn giao thông phải thay đổi thói quen của người dân; muốn thay đổi điều đó, phải hành động từ hôm nay mà giới văn nghệ sĩ là những người tiên phong trong vấn đề nâng cao nhận thức về văn hoá giao thông trong cộng đồng.

Ông Lê Hải – phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam đã nêu một so sánh nếu tai nạn máy bay bình quân làm cho 150 người thiệt mạng, thì cứ 5 ngày ở Việt Nam có “một chiếc máy bay rơi”.

Còn nhà văn - tiến sĩ Phạm Việt Long thì cho rằng: “Tuy mỗi giới có góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định phải xây dựng văn hoá giao thông mới có cơ sở vững bền, dài lâu cho an toàn giao thông. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng người mỗi khi tham gia giao thông.

Thay đổi một hành vi, nhất là hành vi đó đã ăn sâu vào đời sống của  xã hội là một vấn đề vô cùng khó khăn, đòi hỏi quá trình thực hiện phải duy trì thường xuyên, đồng bộ nhiều biện pháp với 3 mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã nêu: Từng bước xây dựng thói quen; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp các cấp, ngành, tổ chức; chính quyền đảm bảo giao thông thông suốt. Trong đó, biện pháp tuyên truyền, giáo dục  là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cả.