Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị "Phát triển du lịch tại làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc" do Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức ngày 6/11.
Khách du lịch nước ngoài tại một cửa hàng bán sản phẩm lụa Vạn Phúc. Ảnh: Thanh Hải
Mặc dù cơ sở hạ tầng làng lụa Vạn Phúc đã được cải thiện, tuy nhiên, các công trình công cộng, nhất là điểm gửi xe còn nhiều thiếu thốn. Vạn Phúc có đến 400 hộ làm nghề nhưng hiện chỉ có cơ sở sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão là duy trì phương thức sản xuất cổ truyền, điều này khiến việc xây dựng tour du lịch trải nghiệm làng nghề gặp khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm lụa do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác "Vạn Phúc" làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của làng nghề.
Ông Phùng Quang Thắng, Trưởng phòng Đầu tư & Phát triển - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đề xuất: Thay vì chỉ có vài ba gia đình làm để biểu diễn cho khách xem như hiện nay, cần có kế hoạch mở rộng hoạt động nghề dệt. Sở VHTT&DL thông qua điều tra, khảo sát thực tế các hộ kinh doanh, sản xuất có thể cấp giấy chứng nhận cửa hàng, sản phẩm đạt chuẩn du lịch. Việc làm này có tác dụng hỗ trợ khách du lịch phân biệt được sản phẩm lụa Vạn Phúc với sản phẩm do địa phương khác sản xuất. Đồng tình với ý kiến này, bà Stephanie, Hiệp hội Lụa quốc tế cho rằng: Khách du lịch đến với làng nghề không chỉ để mua sản phẩm mà còn có nhu cầu trải nghiệm cách thức sản xuất. Vì vậy, chính quyền cần phối hợp với các công ty du lịch lữ hành xây dựng các tour du lịch trải nghiệm cách thức sản xuất lụa truyền thống ở Vạn Phúc.
Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng đề xuất, các cấp chính quyền bên cạnh việc nâng cấp cơ sở sản xuất, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nên có thêm hệ thống nhà hàng ăn uống, tổ chức chợ phiên… Các hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho du lịch lữ hành xây dựng các chương trình tour, đồng thời "níu chân" du khách khi đến tham quan. Ngoài ra, Vạn Phúc cần thành lập bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh, từ đó hạn chế đến mức cao nhất sản phẩm "nhái" thương hiệu lụa Vạn Phúc.
Ý kiến đóng góp của những người trong cuộc cho thấy, muốn trở thành điểm đến của ngành du lịch, Vạn Phúc rất cần phát triển làng nghề theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu khép kín của du khách. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ thương hiệu, hình ảnh lụa Vạn Phúc cũng là một yêu cầu cấp thiết, từ đó tạo ấn tượng tốt, hình ảnh đẹp khi du khách đến thăm quan làng. Bên cạnh đó, địa phương cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên bán hàng theo hướng vừa là người giới thiệu sản phẩm, vừa là thuyết minh viên sản phẩm cũng như giá trị, lịch sử văn hóa làng nghề.