Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt Hà Nội: Thành công từ những đột phá

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nói riêng và sự phát triển, văn minh của Hà Nội nói chung. Thành công đó đến từ những đột phá trong cách nghĩ lẫn cách làm của cả hệ thống chính trị và DN vận tải Thủ đô.

Xe buýt BRT chạy trên phố Lê Văn Lương. Ảnh: Hải Linh
Không chỉ là phương tiện
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của TP cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.
Đến nay, Hà Nội đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).
VTHKCC tiếp tục có sự tăng trưởng; tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn TP năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách. Trong đó, xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017); góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm UTGT trên địa bàn TP.
Xe buýt Hà Nội hiện đã đạt số lượng trên 1.200 chiếc, chủng loại phong phú với xe buýt nhanh BRT; xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG; xe buýt đạt chuẩn khí thải EURO IV, V; xe City Tour… Mặt khác, xe buýt hiện nay đã có rất nhiều tiện ích như: Wifi miễn phí; hệ thống thông báo, cảnh báo bằng âm thanh; sàn thấp, bán thấp phục vụ người khuyết tật, người già… Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Điều đó cho thấy, không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, mà xe buýt còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Hà Nội”.
Sức bật từ tư duy và trách nhiệm
Các chuyên gia cho rằng, phát triển được một mạng lưới xe buýt rộng khắp như Hà Nội là không dễ, đòi hỏi chính quyền TP và các sở, ngành, đơn vị liên quan phải có quyết tâm và quan trọng hơn là những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Trước đây, xe buýt Hà Nội có năng lực rất yếu, manh mún, mạng lưới tuyến nhỏ lẻ, phương tiện cũ nát và nhất là chưa ai nghĩ tới việc xây dựng văn hóa xe buýt. Thế nhưng chỉ sau ít năm, tất cả nững nhược điểm nói trên hầu như đã được khắc phục”.
Để có được thành công đó, trước hết là nhờ những chính sách ưu tiên đặc biệt mà chính quyền TP dành cho xe buýt. Ngân sách trợ giá cho xe buýt hiện đã đạt đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giá vé rẻ, phương tiện được đầu tư mới, hạ tầng điểm đỗ được nâng cấp đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, gia tăng sản lượng khách cho xe buýt.
Sở GTVT và các sở, ngành liên quan đã không ngừng có những điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới luồng tuyến, đem xe buýt đến hầu khắp mọi tuyến đường, ngõ ngách, từ đô thị đến nông thôn, ngoại thành, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ trong tư duy, ý thức, cho đến nền nếp, chất lượng phục vụ. Hình ảnh xe buýt Hà Nội hiện nay đã rất gần gũi với người dân bởi không chỉ chú trọng vào nghiệp vụ, các DN còn đặt ra yêu cầu rất cao đối với người lao động trong giao tiếp, ứng xử với hành khách, đặt nền móng vững chắc và ngày càng củng cố văn hóa xe buýt.
Ông Đặng Chí Nga đánh giá: “Có thể nói, xe buýt Hà Nội đã phát triển, đổi thay cả về chất và lượng bằng một sức bật mạnh mẽ trong thời gian qua. Sức bật đó chính là những giải pháp đột phá cả về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển của chính quyền TP, và cung cách làm ăn ngày càng chuyên nghiệp của các DN”.