Bên cạnh xe buýt truyền thống, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT đang được tích cực triển khai và sẽ được đưa vào sử dụng nay mai. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, xe buýt truyền thống vẫn sẽ là lực lượng đảm trách vai trò chủ đạo, phục vụ VTHKCC cho Thủ đô.
Xóa những “vùng trắng”Sau 15 năm phát triển mạnh mẽ, xe buýt đã trở thành loại hình không thể thay thế, giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới VTHKCC Hà Nội. Hiện cả TP có 91 tuyến buýt, gần 1.500 phương tiện, mạng lưới tuyến đã bao phủ trên phạm vi 71,7% diện tích toàn TP. Nhiều khu vực ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… trước đây được liệt vào “vùng trắng” về xe buýt, việc đi lại, kết nối với trung tâm TP chỉ được duy trì bởi một số lượng nhỏ các phương tiện xe buýt không trợ giá phục vụ với giá vé cao, chất lượng dịch vụ thấp. Đến nay, xe buýt đã vươn nhiều địa bàn có các “vùng trắng” này.
Người dân Thủ đô đã quen thuộc khi đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Ảnh: Công Hùng |
Việc mở rộng vùng phục vụ xe buýt đã góp phần xóa bớt khoảng cách nội - ngoại thành, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Anh Dư Trung Tưởng (Mỹ Đức) phấn khởi nói: “Tôi đi làm tận Thanh Xuân. Trước đây không có xe buýt, đi xe khách thì đắt đỏ, chật chội nên phải chọn thuê nhà với giá cao để đi làm cho tiện. Mỗi tháng chỉ về nhà được 1, 2 lần. Nay có xe buýt, sử dụng vé tháng đi về hàng ngày; tiền vé đi về cả tháng chỉ bằng một phần nhỏ tiền thuê nhà, lại nhanh chóng, tiện lợi”.Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, một đô thị văn minh, phát triển không thể thiếu xe buýt. Xe buýt là loại hình vận tải giá rẻ, phù hợp với hầu hết các tầng lớp dân cư, hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu áp lực giao thông và chi phí đi lại nói chung. “Hà Nội đã có xe buýt từ lâu, nhưng trong hơn 10 năm trở lại đây mới thực sự phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, đặc biệt là các khu vực ngoại thành xa, đời sống kinh tế còn chậm phát triển” - ông Thắng nói.Theo tính toán của cơ quan chức năng, hiện Hà Nội có trên 7 triệu dân thường trú, trong đó có rất đông người dân có mức thu nhập thấp. Xe buýt vừa giúp giải quyết nhu cầu đi lại với chi phí thấp, vừa hạn chế đáng kể lượng phương tiện cá nhân. Quan trọng hơn, xe buýt còn kết nối người dân các khu vực của TP với nhau, qua đó thúc đẩy các quan hệ kinh tế - xã hội - văn hóa. Người dân các huyện xa có thể dễ dàng về trung tâm mua sắm hoặc tham quan, du lịch và ngược lại. Bớt chi phí thuê nhà hay đi lại giúp họ tích lũy thêm tiền bạc để chi cho các nhu cầu vật chất, tinh thần khác. Như các chuyên gia đánh giá, giao thông vận tải là mạch máu của toàn xã hội, còn xe buýt là những “huyết cầu” năng động, tối quan trọng với sức khỏe của cả TP.Phương tiện của tương laiSo với các loại hình VTHKCC khối lượng lớn như tàu điện ngầm, nổi, xe buýt nhanh BRT, xe buýt truyền thống có phần kém cạnh về sản lượng vận chuyển. Nhưng bù lại, với môi trường, không gian giao thông chật hẹp của nhiều khu vực Hà Nội, xe buýt có phần phù hợp hơn. Việc xây dựng các công trình tàu điện trên cao hay tàu điện ngầm đều rất tốn kém và phức tạp. Hơn nữa không phải khu vực nào, tuyến đường nào cũng có thể xây dựng các loại hình này. Xe buýt nhanh BRT thì đòi hỏi những điều kiện vận hành rất khắt khe như làn đường riêng, hệ thống tín hiệu ưu tiên… Trong khi đó, xe buýt truyền thống lại có lợi thế đi được vào đại đa số các khu vực dân cư, điều kiện vận hành chỉ đòi hỏi ở mức trung bình. Mặt khác, các phương thức vận chuyển lớn, mỗi chuyến đi có thể “đổ” xuống các nhà ga, điểm trung chuyển hàng nghìn, hàng vạn lượt khách. Nếu không có xe buýt truyền thống, lực lượng nào sẽ giải tỏa khối lượng hành khách đó? Bởi vậy, các chuyên gia xác định, dù có thêm tàu điện, buýt nhanh BRT hay bất kỳ phương thức nào khác, xe buýt truyền thống vẫn sẽ là lực lượng VTHKCC “chủ công” của Hà Nội.Thạc sĩ Hà Thanh Tùng - Đại học GTVT nhận định: “Trước mắt và lâu dài, xe buýt truyền thống cần phải triển khai 2 nhiệm vụ quan trọng là kết nối với các loại hình VTHKCC khối lớn và quy hoạch cải thiện mạng lưới hiện nay hợp lý hơn, bền vững hơn”. Hai nội dung này có mối quan hệ tương hỗ, chặt chẽ với nhau và cần được quan tâm thường xuyên. Việc phát triển một mạng lưới xe buýt có quy hoạch phù hợp, có kết nối hơp lý, khoa học với các phương thức vận tải khối lượng lớn sẽ giúp phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của hệ thống VTHKCC đa phương thức của Thành phố. Trên thực tế, kể cả các nước phát triển nhất, có mạng lưới giao thông vận tải hiện đại, thông minh như Nhật Bản, Pháp, Mỹ… xe buýt vẫn là một loại hình VTHKCC đắc dụng, vừa có vai trò thu gom, vận chuyển hành khách đi - đến các đầu mối giao thông, kết nối nhu cầu đi lại cho người dân tới các hành lang trọng yếu của vận tải khói lượng lớn. Để đáp ứng yêu cầu sắp tới, xe buýt truyền thống của Hà Nội đang rất cần một quy hoạch chi tiết, khoa học; đi kèm với đó là những biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng dịch vụ với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến để phát triển xe buýt thành hình thức vận tải thông minh, dễ tiếp cận và thân thiện môi trường.Thạc sĩ Trần Văn Giang - Đại học GTVT cho rằng, trong tương lai, xe buýt cần quan tâm đến thiết kế, nhiên liệu sử dụng, và hướng tới đạt chuẩn quốc tế.Trải qua nhiều chặng đường xây dựng và trưởng thành, xe buýt truyền thống đã để lại một hình ảnh gần gũi, thân thiện với Nhân dân Thủ đô. Trong tương lai, xe buýt sẽ cần thêm nhiều động lực, nhiều sáng kiến, giải pháp để phát huy tối đa vai trò của mình trong đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô; để xe buýt không chỉ là phương tiện VTHKCC, mà còn là một nét văn minh, văn hóa trong giao thông Hà Nội.