Vẫn còn vướng mắc
Quảng Ninh và Lâm Đồng đều là những địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm có thương hiệu và từng bước chinh phục được thị trường Hà Nội. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sở hữu nguồn thủy sản khá dồi dào, còn Lâm Đồng lại có nhiều ưu thế về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Thời gian qua, việc hợp tác giữa ngành nông nghiệp cũng như các DN của Hà Nội và hai địa phương trên đã được khởi động với những chương trình XTTM khá tích cực. Mặc dù vậy, trong quá trình kết nối đưa nông sản thực phẩm an toàn về Hà Nội tiêu thụ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định.Sản phẩm rau an toàn của Lâm Đồng được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thiện |
Ông Nguyễn Văn Công – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã quy hoạch 18 vùng sản xuất tập trung nhằm tạo nguồn ổn định và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm nổi trội được người tiêu dùng đánh giá cao như hàu Thái Bình Dương, ốc nhảy da vàng, lúa chất lượng cao (10.000ha), cây ăn quả (1.400ha)… Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô còn nhỏ, ít chuỗi liên kết tới người tiêu dùng, khả năng tiếp cận thị trường thấp. Chính vì vậy, Quảng Ninh rất mong muốn được kết nối đưa sản phẩm chất lượng cao của tỉnh về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.
Mặc dù đã tích cực ứng dụng CNC vào sản xuất, tạo ra các vùng nông nghiệp hàng hóa lớn, song việc đưa nông sản thực phẩm từ Lâm Đồng về Hà Nội cũng đang gặp không ít trở ngại. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 16.500ha trồng rau với sản lượng đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó có trên 76% diện tích rau ứng dụng CNC. Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Lam Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chi phí vận chuyển rau ra Hà Nội lớn, khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg nên khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường. Trung bình vận chuyển rau từ Đà Lạt về Hà Nội mất khoảng 30 giờ đồng hồ, trong khi đó, Hà Nội lại thực hiện cấm xe tải vào nội đô trong một số khung giờ, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển sản phẩm.Làm tốt vai trò “bà mối”Tại hội nghị, Sở NN&PTNT, DN của Hà Nội và hai tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực XTTM nông sản. |
Có thể nói, hội nghị đánh giá kết quả chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, kết nối XTTM nông sản giữa Hà Nội và hai tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ninh diễn ra trong không khí khá cởi mở, thẳng thắn. Đại diện các DN, HTX sản xuất của Lâm Đồng và Quảng Ninh đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đồng thời bày tỏ mong muốn được kết nối đưa sản phẩm về Thủ đô. Có mặt tại hội nghị, một số DN trong lĩnh vực phân phối nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội cũng thẳng thắn trao đổi về nhu cầu hợp tác cũng như yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm. Trong đó, điều quan trọng nhất là nông sản phải được sản xuất theo quy trình đảm bảo ATTP, có chứng nhận chất lượng.
Chia sẻ với những khó khăn của các địa phương, ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối đưa nông sản vùng miền về Hà Nội. Trong đó, thành lập Trung tâm Tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại số 35 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng. Đây là địa chỉ hỗ trợ các địa phương quảng bá và triển khai các hoạt động XTTM nông nghiệp. Bên cạnh đó, đối với các tỉnh xa Thủ đô, Trung tâm XTTM Hà Nội cũng liên hệ hỗ trợ 3 kho lạnh để giúp các DN bảo quản sản phẩm.Nhấn mạnh quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm của Thủ đô là khá lớn, trong khi sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được. Do đó, việc hợp tác với các tỉnh, thành nhằm đưa nông sản an toàn về Hà Nội, phục vụ người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Ông Nhã đề nghị, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở cần làm tốt hơn nữa vai trò “bà mối” để xe duyên đưa nông sản an toàn thực phẩm từ các tỉnh, TP về Thủ đô. Đồng thời đề nghị các tỉnh, TP quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ sản xuất đến khâu sơ chế, chế biến, tiêu thụ.