Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem xét bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày

Thủy Trúc - H. Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/1, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Đào Hồng Lan cho biết sẽ xem xét đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phương án khi đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, người dân. Dự thảo này chưa phải là phương án cuối cùng của Bộ LĐTBXH. Bộ LĐTBXH là bộ quản lý nhà nước về trẻ em và bình đẳng giới nên trước khi trình dự thảo Luật Lao động sẽ phải tham khảo ý kiến đầy đủ các bên để đảm bảo tính công bằng nhân văn.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH Hà Đình Bốn - Tổ trưởng Tổ biên tập, giúp việc cho ban soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động cho hay, khi lấy ý kiến các doanh nghiệp về dự thảo Luật Lao động sửa đổi, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định "Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Lý do, lao động nữ đã được nghỉ thai sản 6 tháng, nếu thực hiện thì rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền. Một người nghỉ sẽ ảnh hưởng đến những lao động khác.

Do các doanh nghiệp có ý kiến bằng văn bản nên khi đăng dự thảo lấy ý kiến, Ban soạn thảo đăng đầy đủ ý kiến trên để không gây thắc mắc. Tuy nhiên, khi trình dự thảo Luật Lao động sửa đổi, vấn đề trên sẽ được cân nhắc trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ ngành, hiệp hội, người lao động.

Theo ông Bốn, quan hệ lao động phải đảm bảo hài hòa giữa người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với người sử dụng lao động, cụ thể là các doanh nghiệp luôn mong muốn tiết kiệm được chi phí càng nhiều càng tốt để tăng tích lũy, lợi nhuận và tiếp tục mở rộng sản xuất. Người lao động cũng mong muốn chế độ càng ngày càng cao và pháp luật ưu đãi nhiều. Do vậy, pháp luật phải quy định đảm bảo hài hòa nhất.
Dự kiến, tháng 3/2017, Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội dự án luật Lao động sửa đổi.