Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem xét kỹ lưỡng quy hoạch phòng, chống lũ cho Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/10, UBND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT liên quan tới quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn TP.

Triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội”.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT
Theo kết quả Dự án được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 257, không gian thoát lũ sẽ nằm giữa hai tuyến đê chính và không cho phép xây dựng đê bối mới. Số hộ dân cần di dời là 2.206 hộ. Quy hoạch đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng ở 20 bãi sông với tổng diện tích 3.904ha. Mật độ xây dựng được giới hạn ở mức 15% cho 2 bãi và 5% cho các bãi còn lại.

Dù quy hoạch đã được gửi tới và nhận được sự đồng tình của 6 bộ và 8 tỉnh lân cận Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn ý kiến bày tỏ băn khoăn. Cụ thể, theo quy hoạch, sẽ có 8 vùng bãi sông được nạo vét nhằm tăng lưu lượng dòng chảy thoát lũ. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho rằng: Việc nạo vét lòng sông có thể ảnh hưởng tới khả năng lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi trong đê. Ở khía cạnh khác, GS.TS Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam bày tỏ quan ngại: Việc xây dựng hai tuyến đường giáp ven sông Hồng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ.
Ngoài hai vấnđề được cho là cần nghiên cứu kỹ nêu trên, ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý phản biện rằng, quy hoạch chưa tính toán thực sự kỹ lưỡng đến mức độ an toàn cho khu dân cư đông đúc, trung tâm nội đô. Thêm nữa, nguồn vốn triển khai quy hoạch lên tới gần 54.000 tỷ đồng là rất lớn. Một số ý kiến cũng cho rằng, mật độ xây dựng 5 - 15% là khá thấp, chưa phát huy được tiềm năng và nên chỉ là mật độ xây dựng thuần (tức không bao gồm hạng mục cây xanh, hồ nước…).

Đánh giá về quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng thẳng thắn cho biết: Trong kết quả rà soát, có nhiều điểm chưa thống nhất; và những vấn đề Hà Nội đặt ra, Bộ cũng chưa có thời gian xem xét kỹ lưỡng. Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chi tiết phù hợp với đặc thù của Hà Nội. “Khi Thủ tướng đồng ý cho phép Hà Nội điều chỉnh thì Bộ NN&PTNT mới có thể có ý kiến…” - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh. Ông Thắng cũng nhấn mạnh, trước mối đe dọa ngày một lớn của thiên tai, Hà Nội cần tính toán kỹ và phải rất cẩn trọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, việc triển khai Quyết định số 257 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Nhận thức đây là vấn đề lớn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng: Khi triển khai cần hết sức thận trọng. Quy hoạch phải được tính toán kỹ lưỡng để tạo thuận lợi cho việc triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, bảo đảm tính khả thi cao và bảo vệ được số dân cư hiện hữu hai bên bờ sông Hồng.
Đối với những vấn đề được Bộ NN&PTNT và các chuyên gia, nhà khoa học nêu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến đóng góp để bổ sung vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu toàn diện, tính toán kỹ lưỡng để quy hoạch khả thi nhất. Liên quan tới nguồn vốn triển khai, lãnh đạo TP cho biết, Hà Nội hoàn toàn có đủ nguồn lực thực hiện; quan trọng nhất là cần có quy hoạch. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Quyết định số 257 mà Hà Nội hướng tới là bảo vệ vùng dân cư hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị ven sông.