Xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2021: Chờ đợi tôn vinh người xứng đáng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tháng 3/2021, Bộ VHTT&DL công bố danh sách chốt của Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Những tên tuổi lớn như: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Kim Lân… đã có tên trong danh sách đề nghị lần này. Như vậy, cùng với danh sách của 8 lĩnh vực đã được xin ý kiến từ tháng 1/2021, công chúng đang chờ đợi một mùa xét tặng xứng đáng, tôn vinh đúng và đủ những gương mặt tận hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà.
Thế hệ vàng của văn học nghệ thuật

Nhà văn Nguyễn Khoa Điềm là một trong 9 nhà văn, nhà thơ nằm trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, vừa được Bộ VHTT&DL đăng tải để lấy ý kiến của Nhân dân. Đối với nhiều độc giả, không phải đợi đến lần ghi nhận này mà từ trước đó nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã là tác giả lớn. Ông là nhà thơ tiêu biểu, có đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhà hoạt động chính trị rất tài ba.
 Trích đoạn trong vở  ''Khi ban đội đi vắng'' của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Trong kho tàng sáng tác đồ sộ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lần này Hội đồng cấp cơ sở đã chọn 3 tác phẩm và cụm tác phẩm gồm: Tập thơ Cõi lặng, Nguyễn Khoa Điềm tuyển thơ, Đất nước (chương chủ đạo trong trường ca Mặt đường khát vọng) để trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xem xét đề xuất trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Bên cạnh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lần đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật còn có nhà văn Bùi Hiển - được xem là “Thế hệ vàng” của văn học Việt Nam; nhà văn Kim Lân – nhà văn của người nông dân Việt Nam và 6 tác giả lớn khác.

Trong đợt đề nghị xét tặng lần này, Hội đồng cấp cơ sở tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ông là người con ưu tú của mảnh đất xứ Nghệ, cả cuộc đời dành tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hóa Nghệ Tĩnh nói chung. Với những tác phẩm của mình, ông đã góp phần rất lớn để dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2014.

NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá: “Những tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong có chèo cải lương, dân ca Ví, Giặm… ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đặc biệt, bài dân ca “Giận mà thương” trong vở kịch “Khi bạn đội đi vắng” được nhạc sĩ Vi Phong ký âm và từ đó được lan truyền khắp cả nước, thậm chí vượt qua biên giới chinh phục bạn bè quốc tế”. Chính vì vậy, theo khán giả cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong xứng đáng được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sẽ sớm trao tặng

Theo thông báo đợt 1 đã có 8 lĩnh vực công bố danh sách các tác giả được đề nghị xét tặng. Cụ thể, lĩnh vực âm nhạc có 5 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 46 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước. Lĩnh vực sân khấu có 6 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước.
Lĩnh vực múa có 5 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 15 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước. Lĩnh vực điện ảnh có 4 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 26 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước. Ngoài ra, còn có lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ dân gian. 8 lĩnh vực này đã hoàn thiện lấy ý kiến Nhân dân từ cuối tháng 1/2021.

Theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, ngoài ra, mới đây Hội đồng cấp cơ sở đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho 9 tác giả và giải thưởng Nhà nước cho 50 tác giả.
Bộ đăng tải toàn bộ danh sách này trên website của Bộ, sẽ kết thúc vòng lấy ý kiến công khai vào ngày 29/3. Sau đó, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước sẽ họp xét theo quy định tại Nghị định 90/2014/NĐ-CP và Nghị định 133/2018/NĐ-CP, trước khi trình Chính phủ xem xét và Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng. Theo thông lệ, lễ trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9), theo định kỳ 5 năm/lần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần