Xin đừng nhân danh bóng đá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam đang đối diện với áp lực từ dư luận phải thay đổi sau thất bại trước Thái Lan. Vấn đề được đặt ra lúc này là sự thay đổi cần đến từ đâu và cần phải làm gì để đưa bóng đá Việt Nam khỏi sự tụt hậu so với những nền bóng đá hàng đầu?

Hội chứng… phán

Bóng đá Việt Nam có ít HLV giỏi, cầu thủ giỏi. Đó là thực tế. Ngay cả thế hệ vàng khi bước ra đấu trường lớn thì luôn phải nhận bạc, hoặc đồng. Luôn có một căn bệnh là các đội bóng Việt Nam ở nhà thì đá rất hay nhưng cứ gặp các đội bóng nước ngoài là cóng chân, thua tan nát. Ấy vậy nhưng, bóng đá Việt Nam có rất nhiều “chuyên gia” có thể phản biện như gió về thực trạng, giải pháp của nền bóng đá! Chuyên gia ấy có thể là các cựu cầu thủ, giới truyền thông, hoặc những cổ động viên vốn có nhiều thời gian lên mạng internet. Người ta không ngần ngại chỉ trích về thực trạng của nền bóng đá. Rằng, bóng đá Việt Nam phát triển lệch chuẩn, không có bài bản và những nhà lãnh đạo bóng đá chỉ chăm vào phần ngọn chứ chẳng quan tâm đến cái gốc.
Nỗi buồn của các cầu thủ Việt Nam sau khi để thua 0 - 3 trước Thái Lan  trên sân Mỹ Đình.
Nỗi buồn của các cầu thủ Việt Nam sau khi để thua 0 - 3 trước Thái Lan trên sân Mỹ Đình.
Thực ra thì không quá khó để nhận ra rằng, các ý kiến phản biện, hay chỉ trích bóng đá Việt Nam đều tập trung vào những vấn đề không mới. Và càng không quá khó để thấy rằng, bản thân những ý kiến tưởng chừng sâu sắc nhất thì lại vô cùng lệch chuẩn chứ không muốn nói là đầy sự cực đoan. Đơn cử như, một cựu cầu thủ cho rằng, bóng đá Việt Nam thất bại vì thiếu những nhà làm chuyên môn giỏi. Rồi đề xuất phải thay đổi toàn bộ hệ thống bóng đá và các quan chức thì bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển kịp Thái Lan.

Nhà chuyên môn thì nên nói về chuyên môn, về xây dựng lối chơi, đào tạo cho nền bóng đá chứ ai dám đảm bảo họ giỏi về cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển hay đơn giản là chuyện kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho bóng đá Việt Nam. Vậy nhưng, các chuyên gia vẫn ào ào lấn sân và phán luôn cả những lĩnh vực mình không nắm, không giỏi, chứ chưa muốn nói là rất kém. Và với cách tiếp cận như vậy, rất khó để bóng đá Việt Nam có được lời khuyên đúng để làm theo.

Đội tuyển của ai?

Hiện đang có cuộc vận động VFF hãy giao đội tuyển quốc gia (ĐTQG) cho bầu Đức đầu tư. Nghĩa là ông Đức được toàn quyền chọn HLV, cầu thủ và sẽ chi tiền cho những chuyến tập huấn. Việc một đội bóng nhận được sự ủng hộ về tài chính từ các ông bầu không phải là chuyện hiếm. Thế nhưng, biến một ĐTQG thành đội bóng của riêng ông bầu thì cả thế giới này chưa đâu làm cả.

Giao ĐTQG cho bầu Đức để thực hiện mục tiêu đánh bại Thái Lan, nhiều người đang khấp khởi cho ý tưởng đó. Nhưng, chẳng ai dám đảm bảo, với một dàn cầu thủ trẻ vốn thi đấu chật vật ở V.League lại có thể đánh bại đội bóng đã đạt đến đẳng cấp của châu lục như Thái Lan. Cơ sở lý luận và thực tiễn cho kế hoạch này quá mông lung. Thêm nữa, người ta tự hỏi, nếu kế hoạch này thất bại, danh dự nền bóng đá bị ảnh hưởng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Dễ dàng giao khoán đội bóng cho một ông bầu thì VFF sẽ giải thích sao với phần còn lại của làng bóng đá? Các ông bầu khác cũng có tiền và họ lại đòi phải giao ĐTQG cho mình? Những người không được giao thì sẽ chán nản bởi quân của họ không còn đường lên Tuyển và khi ấy, kết cục thế nào thì ai cũng biết… Với tư cách là đơn vị quản lý bóng đá, VFF sẽ chịu trách nhiệm nếu các ông bầu đồng loạt bỏ cuộc chơi vì thất vọng với cung cách điều hành mang nặng yếu tố cá nhân.

Vậy thì, xin đừng nhân danh bóng đá. Cuộc chơi này có luật và ngôn ngữ riêng của nó. Và càng không thể biến cái chung thành cái riêng, cái ta thành cái tôi bằng bất cứ lý do nào.