Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin lỗi, tôi chỉ là CĐV

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm rồi, một cổ động viên (CĐV) nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh đã lên trang mạng cá nhân phân trần rằng, "xin lỗi, tôi chỉ là người bán bánh giò. Đừng mượn danh tôi, đừng lôi tôi vào cuộc đấu đá".

Sở dĩ một CĐV chất phác, chỉ biết hò reo khi tới khán đài phải xin hai chữ "bình yên" là vì, người ta đã mượn tên anh nhắn tin, thậm chí gọi điện cho lãnh đạo ngành thể thao để nhân danh những người yêu bóng đá yêu cầu phải làm thế này, làm thế kia. Ừ thì vẫn biết, bóng đá cần những tiếng nói phản biện, thậm chí trái chiều nhằm tìm kiếm cho được con đường để phát triển. Thế nhưng, cái việc mượn danh một ai đó để thực hiện những ý đồ cá nhân thì thật chẳng hay ho chút nào.

CĐV Việt Nam yêu bóng đá và họ có quyền nói lên tiếng nói xây dựng của mình. Thế nhưng, có vẻ như tiếng nói của những người yêu bóng đá đang bị lợi dụng, đẩy sự việc sang một hướng rất bi quan và tiêu cực, mà cụ thể ở đây là chuyện Đại hội VFF.

Đang có một hiện tượng là đâu đó, người ta sử dụng CĐV là công cụ, là ngón đòn để triệt hạ đối phương. Tin nhắn, điện thoại, diễn đàn của CĐV được sử dụng mà mục đích thế nào thì ai cũng biết. Nhóm CĐV này ca ngợi ứng viên A và tung đòn mang tính triệt hạ với ứng viên B. Và tất nhiên, có đi thì có lại, đâu đó, người ta lại thấy một nhóm CĐV khác lại ca ngợi ứng viên B và trả đũa nhóm ứng viên A. Cứ thế, câu chuyện trước thềm Đại hội như một trận bóng đá đầy tiểu xảo vậy.

Một CĐV lão làng tâm sự với người viết: "Trong bóng đá, ai khôn ngoan, ai có tâm, có tầm, có tiềm lực và đủ sức mang đến sự đổi thay cho sân chơi này rất dễ để xác định. Cũng đừng quá quan trọng, người làm bóng đá là ai, mà phải quan tâm việc, ông ta sẽ làm gì cho bóng đá nước nhà. Vậy nên, đừng bắt những người yêu bóng đá chúng tôi trở thành một công cụ cho cuộc đấu nơi hậu trường. Bởi, nói cho cùng, chúng tôi chỉ là những CĐV, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì".